Trong bài trước, Tôi đã giới thiệu với các bạn sơ qua về chỉ báo Ichimoku, một chỉ báo rất nổi tiếng và được sử dụng rất phổ biến trong giới traders.
Ichimoku giúp cho traders có thể nắm bắt được xu hướng giao dịch rất tốt và đi theo xu hướng đến khi nó kết thúc hoàn toàn.
Các bạn có thể đọc lại tại đây: https://anhthucfx.com/tim-hieu-ve-may-ichimoku-la-gi/
Có một lưu ý các bạn nên nhớ rằng, bất cứ một hệ thống hoặc phương pháp giao dịch nào giúp các bạn xác định được xu hướng thị trường thì nó cũng giúp các bạn tìm được điểm đảo chiều xu hướng.
Bởi vì khi xu hướng cũ kết thúc, thì đó chính là thời điểm, là vị trí để một xu hướng đảo ngược được hình thành sau đó.
Và Kumo hay đám mây của chỉ báo Ichimoku chính là một chỉ báo độc đáo giúp bạn có thể nắm bắt được xu hướng của thị trường cũng như xác định được lúc nào xu hướng kết thúc.
Hôm nay, tôi sẽ giúp các bạn vận dụng nó vào phương pháp Price Action với một cách đơn giản nhất, trực quan nhất, và quan trọng hơn hết là ai cũng có thể sử dụng được.
Kumo là gì? Thành phần của nó gồm những gì?
Tôi giới thiệu lại chút thôi, bài trước tôi đã nói chi tiết rồi.
Mây Kumo gồm 2 thành phần chính được gọi là Senkou Span A và Senkou Span B, ngắn gọn gọi là Span A và Span B.
Khoảng không gian giữa 2 đường này được kết hợp lại thành mây Kumo.
Span A được tính bằng cách lấy trung bình cộng của Tenkan Line và Kijun Line (2 đường màu xanh và đỏ trong đồ thị) và đẩy về trước 26 chu kì giao dịch.
Công thức tính như sau:
(Tenkan Line + Kijun Line) / 2 và đẩy về trước 26 chu kì giao dịch
Span B được tính bằng cách lấy mức giá cao nhất trong 52 chu kì giao dịch gần nhất cộng với mức giá thấp nhất trong 52 chu kì giao dịch gần nhất, rồi chia cho 2 và đẩy về trước 26 chu kì giao dịch.
Công thức tính như sau:
(Cao nhất + thấp nhất trong 52 chu kì) / 2 và đẩy về trước 26 chu kì giao dịch.
Cách sử dụng mây Kumo
Điều quan trọng nhất khi sử dụng mây Kumo trong phân tích là xem nó như một hỗ trợ / kháng cự của giá.
Nếu mây Kumo dày, điều đó có nghĩa là vùng hỗ trợ/ kháng cự (phụ thuộc vào giá lúc đó trên / dưới mây Kumo) đó mạnh.
Nếu giá ở trên mây Kumo, chúng ta đang trong một xu hướng tăng, chúng ta nên tìm kiếm các cơ hội mua vào lúc này.
Nếu giá ở dưới mây, thì Kumo lúc này đóng vai trò là kháng cự, chúng ta nên tìm kiếm các cơ hội sell lúc này sẽ tốt hơn.
Giá càng duy trì ở trên / dưới mây Kumo càng lâu, thì xu hướng đó càng mạnh và vùng hỗ trợ / kháng cự của Kumo càng ý nghĩa.
Trên là những gì đơn giản nhất của việc áp dụng mây Kumo vào phân tích, nhưng nó lại là hiệu quả nhất.
Những gì bạn nên chú ý nhất đó là, khi giá trong một xu hướng, thì giá phải nằm về 1 phía (hoặc trên, hoặc dưới) của mây Kumo một cách rõ ràng.
Giá đi càng xa, duy trì càng lâu về 1 phía, thì xu hướng đó càng mạnh.
Do đó, Kumo cũng có thể được xem là một công cụ hiệu quả để traders xác định được xu hướng, động lực của giá.
Vậy làm sao để xác định được xu hướng đảo chiều?
Như ở trên, Kumo thường giữ cho giá nằm về một phía, lúc đó xu hướng đang được hình thành.
Thì ngược lại, khi giá phá vỡ Kumo, lúc đó là một tín hiệu báo xu hướng đã sắp kết thúc, một xu hướng đảo chiều mới chuẩn bị hình thành.
Tôi có thể thêm cho bạn một số gợi ý để tăng khả năng nhận biết một xu hướng đảo chiều sắp hình thành:
- Độ dày của Kumo khi bị phá vỡ
- Giá duy trì 1 phía của Kumo trong bao lâu, đi được bao xa?
- Bạn đang quan sát giá trong khung thời gian nào?
Trên là những gợi ý quan trọng để bạn có thể xác định được Kumo đã bị phá vỡ hay chưa, và xu hướng đảo chiều có hình thành hay không?
Một vài ví dụ
Phía dưới là Vàng ở khung thời gian Daily. Giá đã ở trong một xu hướng giảm mạnh một thời gian dài trước đó.
Sau một thời gian tích lũy, sideway, giá đã phá vỡ được Kumo.
Lúc này vùng Kumo từ vùng kháng cự đã bị phá vỡ trở thành vùng hỗ trợ cho giá ở hiện tại.
Vàng sau đó trở về chạm vào Kumo và bật tăng mạnh mẽ, thậm chí còn lớn hơn cả xu hướng giảm phía trước.
Dưới đây là 1 ví dụ khác, cũng Daily chart của cặp Vàng.
Trước đó, Vàng cũng đang trong một xu hướng giảm mạnh.
Hãy quan sát hành động giá lúc giá phá vỡ Kumo.
Giá mất một thời gian để tích lũy trong vùng Kumo, sau đó phá vỡ và bật tăng mạnh.
Bạn có thấy gì đặc biệt trong 2 ví dụ không?
Còn nhiều ví dụ khác nữa, tôi để dành cho các bạn tự thực hành và chiêm nghiệm cho bản thân.
Phương pháp này cũng đơn giản mà hiệu quả phải không?
Tổng kết
Phương pháp sử dụng mây Kumo ở trên là một trong những điểm quan trọng được các Ichimoku traders sử dụng để xác định điểm đảo chiều, để nắm bắt cơ hội vào lệnh với xu hướng mới hoặc thoát lệnh ở xu hướng cũ.
Phương pháp này cũng được áp dụng rộng rãi ở các thị trường giao dịch khác như thị trường tương lai (Futures), thị trường Hàng hóa, Chỉ số, hoặc thị trường Chứng khoán.
Việc còn lại là các bạn hãy thực hành chúng và kết hợp với hệ thống phân tích của các bạn để tìm ra những điểm phù hợp, tối ưu nhất cho điểm vào lệnh và thoát lệnh của mình.
Chúc các bạn giao dịch thành công!!!