Giới thiệu
Mây Ichimoku (còn được gọi là Ichimoku Kinko Hyo) được phát triển từ trước Thế chiến thứ 2 bởi một người đàn ông tên là Goichi Hosada.
Hiện tại vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong giới traders, đặc biệt là các traders phương Tây và châu Âu.
Hosada đã đăng tải bản nghiên cứu hơn 1000 trang về Mây Ichimoku cho toàn thế giới vào năm 1968 với tên gọi Ichimoku Sanjin.
Ban đầu, Mây Ichimoku được xây dựng cho thị trường chứng khoán của Nhật Bản.
Sau đó được phương Tây sử dụng rộng rãi và dần áp dụng cho cả thị trường Hàng Hóa, thị trường Tương lai, Quyền Chọn và cả thị trường Forex (ngoại hối).
Mây Ichimoku được công nhận và sử dụng rộng rãi là nhờ khả năng có thể xác định được trends (xu hướng) và đảo chiều (reversals) dễ dàng, tức là từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc xu hướng.
Chỉ báo Mây Ichimoku
Mây Ichimoku là một chỉ báo gồm nhiều thành phần kết hợp bên trong tạo nên tính đa dạng và tiện dụng.
Tính năng đặc biệt nhất chính là mây “Kumo”, nó giúp cho chúng ta có một quan điểm rõ ràng hơn về vùng hỗ trợ và kháng cự.
Trước đây, các traders phương Tây thường xác định hỗ trợ, kháng cự thông qua các đường tuyến tính hoặc đường thẳng như Fibonacci, Pivots, Trendline hoặc Kênh giá,…
Tuy nhiên mây Kumo cung cấp cho chúng ta một nhận định khác về hỗ trợ, kháng cự dựa trên các hành động giá (Price Action).
Với một cách hiểu thông thường nhất, khi thị trường cho xu hướng tăng mạnh mẽ, mây Kumo sẽ trở nên “dày” hơn (to, rộng hơn).
Xu hướng giảm cũng tương tự, khi giá có xu hướng giảm mạnh, mây Kumo cũng đóng vai trò là kháng cự và dày hơn so với bình thường.
Các bạn cùng xem ví dụ:
Qua 2 ví dụ trên, chúng ta nhận thấy rằng, điều quan trọng khi nhìn vào mây Kumo là xem nó như vai trò của một hỗ trợ – kháng cự.
Nếu vùng mây Kumo trở nên rộng hơn, xu hướng lúc đó cũng trở nên mạnh hơn.
Nếu giá ở trên vùng mây Kumo, khi đó giá đang trong một xu hướng tăng và ta nên ưu tiên tìm kiếm các cơ hội mua vào.
Ngược lại, nếu giá ở dưới mây Kumo, thì mây Kumo đóng vai trò là kháng cự và chúng ta ưu tiên tìm kiếm các cơ hội bán ra hơn.
Khi giá duy trì càng lâu ở trên / dưới vùng mây Kumo, thì xu hướng đó càng trở nên mạnh mẽ hơn, Kumo càng trở nên có ý nghĩa với hỗ trợ / kháng cự hơn.
Chi tiết hơn các thành phần trong mây Kumo
Mây Kumo gồm 2 thành phần chính được gọi là Senkou Span A và Senkou Span B, ngắn gọn gọi là Span A và Span B.
Khoảng không gian giữa 2 đường này được kết hợp lại thành mây Kumo.
Span A được tính bằng cách lấy trung bình cộng của Tenkan Line và Kijun Line (2 đường màu xanh và đỏ trong đồ thị) và đẩy về trước 26 chu kì giao dịch.
Công thức tính như sau:
(Tenkan Line + Kijun Line) / 2 và đẩy về trước 26 chu kì giao dịch
Span B được tính bằng cách lấy mức giá cao nhất trong 52 chu kì giao dịch gần nhất cộng với mức giá thấp nhất trong 52 chu kì giao dịch gần nhất, rồi chia cho 2 và đẩy về trước 26 chu kì giao dịch.
Công thức tính như sau:
(Cao nhất + thấp nhất trong 52 chu kì) / 2 và đẩy về trước 26 chu kì giao dịch.
Các thành phần còn lại của chỉ báo Ichimoku
(Các đường Tenkan, Kijun và Chikou Span)
Đường Tenkan được biết như 1 đường mô phỏng sự chuyển động của giá tương tự với SMA9 nhưng khác về bản chất.
Đường SMA9 (simple moving average) là trung bình giá trong 9 chu kì gần nhất còn đường Tenkan sẽ lấy trung bình của điểm cao nhất và thấp nhất trong 9 chu kỳ đó.
Giải thích cho điều này, Hosada cho rằng sự bám sát theo hành động giá sẽ tốt hơn so với giá trị trung bình vì hành động giá đó thể hiện được nơi mà phe BUY/SELL gia nhập và định hướng thị trường.
Bạn có thể quan sát ví dụ bên dưới, sự khác biệt giữa đường Tenkan và SMA9, đường Tenkan phản ứng sát với giá thực tại hơn.
Và cũng giống như các đường trung bình khác, độ dốc của đường Tenkan càng lớn, thì xu hướng của thị trường lúc đó càng mạnh.
Khi đường Tenkan đi ngang, nó cho biết thị trường đi ngang trong một giai đoạn, và nếu giá xuyên qua đường Tenkan, thì đó có thể là dấu hiệu đầu tiên thông báo xu hướng của thị trường sắp đảo chiều.
Đường Kijun được biết đến như một đường xác định xu hướng trong trung hạn của một loại hàng hóa hoặc cặp tiền.
Công thức của nó cũng tương tự như đường Tenkan nhưng chu kỳ của nó là 26 thay vì là 9.
Nhiều bạn sẽ thắc mắc tại sao là chu kỳ 26? Câu trả lời nó thuộc về vấn đề lịch sử.
Khi Ichimoku được sáng tạo ra đầu tiên, thị trường Nhật bản lúc đó mở cửa 6 ngày một tuần (cả thứ 7).
Do đó, 1 tuần sẽ có 26 phiên giao dịch, và đường Kijun được mô phỏng cho 26 ngày giao dịch trong tháng đó.
Nếu Kijun hướng lên, điều đó có nghĩa là giá đang trong một xu hướng tăng của tháng trước.
Nếu Kijun đi ngang, giá trong tháng trước cũng đang ở trạng thái cân bằng, xu hướng không rõ ràng.
Cũng giống như đường Tenkan, độ dốc của đường Kijun sẽ phản ánh xu hướng tổng thể của giá.
Đường Kijun càng dốc, xu hướng càng mạnh. Và khi giá phá vỡ đường Kijun báo hiệu xu hướng thị trường sẽ đảo chiều sau đó.
Chikou Span là đường được tạo bởi lấy giá đóng cửa ở hiện tại của sản phẩm giao dịch và dịch chuyển lùi lại 26 chu kỳ, do đó còn được gọi là đường trễ (lagging line).
Đây là một khái niệm mới lạ và thường không được sử dụng trong các chỉ báo kỹ thuật khác, nên nó làm nên sự đặc biệt của Mây Ichimoku này.
Mục đích của đường này đơn giản chỉ là so sánh mức giá ở hiện tại với mức giá cùng thời điểm ở tháng trước. (đối với nguyên bản gốc của người tạo lập Ichimoku – sử dụng Daily chart)
Nếu đường Chikou thấp hơn giá của 26 chu kỳ trước, thì rất nhiều khả năng giá hiện tại đang có 1 kháng cự ngăn giá không thể dịch chuyển cao hơn hay nói cách khác đang có một áp lực giảm giá trong tương lai.
Nếu đường Chikou cao hơn giá của 26 chu kỳ trước, có nghĩa là sẽ có ít hoặc không có áp lực kháng cự ở phía trước, do đó giá rất có thể sẽ tiếp tục dịch chuyển cao hơn, tạo ra các đỉnh mới cao hơn và xu hướng sẽ tiếp diễn mạnh hơn.
Đường Tenkan và Kijun cắt nhau
Đây là cách sử dụng phổ biến nhất của 2 đường này, còn được gọi là TKx (Tenkan-Kijun cross).
2 đường cắt nhau là dấu hiệu cho thấy một xu hướng mới nhiều khả năng sẽ được hình thành (cắt lên trên = xu hướng tăng có thể hình thành, ngược lại, cắt xuống dưới = xu hướng giảm có thể hình thành).
Ngoài ra, một số traders còn sử dụng điểm cắt đó làm điểm thoát lệnh, nếu đã vô lệnh trước đó.
Hosada còn định nghĩa rõ hơn về sự giao cắt này dựa trên vị trí giao cắt của nó so với Mây Kumo.
Nếu điểm giao cắt ở dưới mây Kumo, thì được xem là một tín hiệu Mua “yếu”, vì giá cắt dưới mây Kumo nghĩa là dưới vùng kháng cự.
Một tín hiệu Mua “trung bình” là khi điểm giao cắt xảy ra trong vùng mây Kumo.
Một tín hiệu Mua “mạnh” khi điểm giao cắt ở phía trên của Mây Kumo, lúc này Kumo đóng vai trò là vùng hỗ trợ. Đối với tín hiệu Bán thì định nghĩa ngược lại.
Tuy nhiên, các bạn cũng nên tham khảo thêm đường Chikou Span để quan sát mức giá hiện tại so với trước đó để có một cái nhìn tổng quan và làm cho hệ thống được hoàn chỉnh và chính xác hơn.
Một số lưu ý quan trọng cuối cùng của mây Kumo
Như chúng ta đã đề cập trước đó, mây Kumo được thiết kế và đóng vai trò như một vùng hỗ trợ / kháng cự cho giá, nhưng nó cũng có thể có nhiều tác dụng hơn thế.
Một Kumo “dày” hơn, vùng hỗ trợ / kháng cự đó càng mạnh hơn. Và khi giá về chạm vùng Kumo này, giá sẽ sớm quay trở lại tiếp diễn xu hướng trước đó.
Một Kumo “mỏng” hơn, thì vùng hỗ trợ / kháng cự đó cũng trở nên yếu hơn và nó nhiều khả năng sẽ không đủ để giữ cho xu hướng tiếp diễn nếu giá trở về đó.
Điều đó có nghĩa là, cơ hội đảo chiều xu hướng rất có thể sẽ xảy ra sau đó.
Đây cũng là lý do tại sao chúng ta cần quan sát và phân tích mây Kumo kỹ hơn để nhận biết được sớm hơn các dấu hiệu sắp tới có thể thay đổi xu hướng của thị trường.
Một khái niệm nữa chúng ta hay gặp khi quan sát về Kumo là “đáy – đỉnh phẳng”, thường gặp ở đường Span B (đường chu kỳ 52 trong mây Kumo).
Khi Span B ngang, có nghĩa là giá nhiều khả năng sẽ không tạo đỉnh / đáy cao hơn / thấp hơn nữa.
Hay dễ hiểu hơn, thị trường đang đi ngang lúc này, cân bằng giữa bên Bán và bên Mua.
Điều này có nghĩa là gì với các traders?
Nếu giá đang ở trong Kumo, thì giá sẽ có khuynh hướng di chuyển về đường Span B này.
Nếu giá đang ở trên Kumo, thì giá cũng sẽ có khuynh hướng đi ngược trở về đường Span B này.
Nói cách khác, khi Span B đi ngang, thì nó giống như một thỏi nam châm, hút giá về lại gần với nó.
Cũng với ví dụ hình trên, các bạn hãy quan sát cách giá phá vỡ vùng mây Kumo.
Giá đang trong một xu hướng giảm mạnh trước đó và sau đó khi giá phá vỡ mây Kumo, thì thị trường cũng thường sẽ thay đổi xu hướng và dịch chuyển rất mạnh ngược lại.
Đây cũng là một điều rất quan trọng khi các bạn quan sát và vận dụng trong giao dịch.
Mây Kumo được thiết lập dựa trên các hành động giá và thay đổi hình dạng thường xuyên dựa trên các hành động giá đã xảy ra.
Do đó nó cũng đại diện cho vùng hỗ trợ / kháng cự tốt hơn so với các hỗ trợ / kháng cự cứng như fibonacci retracement, pivots, trendline,… vì bám sát với hành động giá của thị trường hơn.
Kết luận
Trên đây là những gì cơ bản nhất, cốt lõi nhất để các bạn bắt đầu tìm hiểu và vận dụng Ichimoku vào hệ thống giao dịch của bản thân.
Ichimoku có khả năng phát hiện được xu hướng, đảo chiều, mức hỗ trợ / kháng cự, một xu hướng mạnh hay yếu, động lực di chuyển của giá (momentum),…
Ngoài ra, Ichimoku còn được sử dụng phân tích phù hợp với các loại thị trường, sản phẩm giao dịch khác nhau.
Chính sự đa năng và hữu dụng như thế, Ichimoku luôn được các traders và các tổ chức giao dịch lựa chọn là một indicators phổ biến, ưu tiên nhất trong hệ thống giao dịch và phân tích của mình.
Điều quan trọng nhất, bạn cần phải dành nhiều thời gian để rèn luyện và tích lũy kỹ năng giao dịch, kỹ năng cảm nhận, phân tích thị trường cũng như cảm nhận được sự hiệu quả mà Ichimoku cũng như bất kỳ hệ thống giao dịch nào mang lại. Từ đó, xây dựng cho mình được một hệ thống giao dịch tối ưu nhất.
Chúc các bạn giao dịch thành công!!!
Nhận xét 0