Nếu tôi phải tuân theo một quy tắc duy nhất đơn giản nhất trong Price action, thì việc hiểu và giao dịch theo sóng đẩy và sóng điều chỉnh (impulsive moves và corrective moves) là ưu tiên số một của tôi. Và nếu tôi chỉ được lựa chọn một loại để có thể giao dịch, thì giao dịch theo Sóng đẩy là lựa chọn tốt hơn hết.
Sóng đẩy cung cấp cho ta cơ hội vào lệnh với lợi nhuận tiềm năng tốt nhất, nó cho chúng ta biết nơi mất cân bằng dòng tiền giữa 2 phe mua và bán, giúp chúng ta có thể xác định được xu hướng hiện tại của thị trường, phe Mua hay phe Bán đang kiểm soát.
Trong bài viết này, anhthucfx sẽ giới thiệu các khái niệm về sóng đẩy và sóng hồi, đặc điểm nhận dạng của mỗi sóng, các tâm lý thay đổi về dòng tiền đằng sau đó. Cuối cùng là cách chúng ta sử dụng chúng trong giao dịch, đặc biệt là với sóng đẩy, nơi mang lại cho ta cơ hội vào lệnh tốt nhất và nhiều tiềm năng lợi nhuận nhất.
Đây là bài viết tiếp theo trong chuỗi bài Price Action của mình, Nếu bạn mới lần đầu tiếp cận đến phương pháp Price Action, hoặc chưa đọc các bài trước, thì bạn có thể tham khảo đọc tại đây.
Nội dung bài viết
Sóng đẩy (impulsive moves)
Sóng đẩy (impulsive moves) là gì?
Sóng đẩy là giai đoạn mà thị trường di chuyển với động lượng (momentum) rõ ràng, nhanh và mạnh theo một hướng lên hoặc xuống trong một khoảng thời gian nhất định. Với một số thị trường tập trung như chứng khoán, thì nó có thể đi kèm với sự gia tăng về khối lượng theo con sóng. Sự di chuyển này nói với bạn rằng đây là lúc thị trường mất cân bằng giữa 2 phe Mua và Bán, và thị trường đang nghiêng hẳn về một bên có ưu thế hơn.
Về mặt logic, đây là thời điểm chúng ta kiếm được lợi nhuận nhiều hơn với rủi ro ít hơn, khi giá di chuyển mạnh một xu hướng nhất định trong một thời gian ngắn. Và việc của chúng ta là làm sao để xác định được những sóng đẩy rõ ràng như vậy và giao dịch theo chúng nhiều nhất có thể, hạn chế giao dịch chống lại xu hướng.
Các đặc điểm nhận biết sóng đẩy
- Có thân nến (body) lớn:
Các nến có thân lớn này cho chúng ta biết rằng có sự tham gia mạnh mẽ về dòng tiền (order flow) đằng sau nó, khiến giá đi theo một xu hướng nhất định. Đây có thể là thời điểm các dòng tiền lớn của các tổ chức đẩy vào làm mất cân bằng cung cầu. Sự mất cân bằng càng mạnh mẽ, các thân nến sẽ càng lớn hơn so với trung bình. Do đó việc của chúng ta là nhận biết và đi theo các dòng tiền lớn này để tìm kiếm lợi nhuận.
Ở ví dụ dưới đây, nhìn từ trái sang đến cây nến số 13, hầu hết là các nến giảm lớn, liên tục đẩy giá thị trường đi xuống, chúng ta dễ dàng nhận biết giá đang trong xu hướng giảm. Từ cây nến 14 đến 28, giá di chuyển dằn co lên xuống, không thoát được điểm cao nhất của cây nến số 10, cho thấy dòng tiền lớn không tham gia trong giai đoạn này. Sau khi không bức phá được, giá tiếp tục xu hướng giảm mạnh.
Nhìn chung, sóng đẩy (impulsive move) dễ dàng được nhận biết khi bạn nhìn thấy các nến lớn cùng di chuyển về một hướng.
- Hầu hết các nến đều có cùng 1 màu
Cũng với ví dụ trên, các bạn có thể thấy từ cây nến 1 đến 13 hầu hết đều là nến giảm, màu đen, chỉ có 2-3 nến tăng với thân nhỏ và có bóng nến trên dài, cho thấy phe Bán đang duy trì kiểm soát và chiếm ưu thế hơn trong suốt khoảng thời gian này.
Các bạn lưu ý rằng, khi đọc hành động giá, chúng ta không đọc chỉ một vài thanh nến, mà phải sâu chuỗi nhiều thanh nến liên tiếp nhau, nhìn tổng quát bối cảnh hành động giá (price action context) sẽ cho ta nhiều thông tin để ra quyết định giao dịch hơn.
- Giá đóng cửa luôn tăng / giảm đi theo xu hướng của sóng đẩy
Tiếp tục quan sát hình trên, các bạn có thể thấy sóng đẩy trong xu hướng giảm và giá đóng cửa của các nến sau hầu hết luôn thấp hơn giá đóng cửa của nến trước đó, và bóng nến ở dưới rất nhỏ so với thân và toàn bộ độ dài nến.
Điều này có ý nghĩa gì?
Nó cho thấy sự phản kháng của phe Mua là rất yếu ớt, và chưa có sự chốt lời đáng kể nào từ phe Bán. Do đó, xu hướng giảm nhiều khả năng vẫn tiếp diễn và chúng ta vẫn tự tin giữ lệnh lâu hơn nữa. Điều này rất hữu ích khi chúng ta bắt được xu hướng thị trường, và giúp tối đa hóa được lợi nhuận trong giao dịch.
Sóng điều chỉnh (Corrective move)
Sóng điều chỉnh (Corrective move) là gì?
Khi chúng ta hiểu cặn kẽ về sóng đẩy, thì sóng điều chỉnh rất dễ để nhận biết, vì nó ngược hoàn toàn với các đặc điểm của sóng đẩy. Bao gồm:
- Các nến có thân nhỏ
- Các nến tăng / giảm đan xen lẫn nhau.
- Giá đóng cửa có thiên hướng ở giữa nến, và các bóng nến dài, thể hiện sự dằn co giữa 2 phe Mua và Bán.
Quay trở lại với ví dụ trên, sau cây nến số 10, từ cây nến 11 đến 28 cho thấy rõ giá đang trong giai đoạn của sóng điều chỉnh (corrective move). Các nến nhỏ hơn rất nhiều so với nến số 10 (đặc điểm #1), các nến tăng/giảm đan xen lẫn nhau (đặc điểm #2), bóng nến dài và thân nến nhỏ đóng cửa ở giữa các cây nến (đặc điểm #3).
Sóng đẩy và sóng điều chỉnh, chúng có liên hệ gì với nhau?
- Sóng đẩy thường được theo sau bởi sóng điều chỉnh. Sóng điều chỉnh có thể là nằm ngang (sideway) hoặc di chuyển ngược nhẹ so với sóng đẩy, hoặc đôi khi là di chuyển nhẹ cùng chiều với sóng đẩy. Nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt thông qua xung lực (momentum) dịch chuyển của giá, biểu thị cho sự thay đổi về order flow trong ngắn hạn.
- 75% thời gian các sóng điều chỉnh đều được theo sau bởi một sóng đẩy mới, cùng chiều với sóng đẩy ban đầu trước đó, tức là xu hướng sẽ tiếp diễn theo sóng đẩy trước đó. Tại sao?
Bởi vì những người đang kiểm soát, hiếm khi từ bỏ quyền kiểm soát của mình trừ khi gặp phải một lực lượng mạnh mẽ chống lại xu hướng đó. Thậm chí khi có sự tham gia của phe ngược xu hướng sau đó, phe kiểm soát vẫn cố gắng đẩy giá lần thứ 2, thứ 3 để tạo đỉnh hoặc đáy mới trước khi từ bỏ hẳn.
Đây cũng là lý do tại sao các mô hình chữ V (V-bottom) thường rất hiếm khi xảy ra, chúng chỉ chiếm khoảng 10%. Các mô hình đảo chiều thường là các mô hình 2-3 đỉnh/đáy, các đỉnh thấp hơn, đáy cao hơn,… hoặc tương tự.
- Chuỗi sóng đẩy và sóng điều chỉnh vẫn cứ tiếp diễn cho đến khi nó thực sự kết thúc xu hướng. Tức là xuất hiện một counter – trend impulsive move mới. Cũng giống như Định luật chuyển động Newton, một vật thể đang chuyển động sẽ tiếp tục chuyển động cho đến khi tác dụng lên một vật thể khác với một lực bằng hoặc lớn hơn.
Chúng ta cùng quan sát ví dụ dưới đây, biểu đồ EURUSD trên khung thời gian D1:

Mũi tên đỏ biểu thị cho sóng đấy (impulsive move) và theo sau là sóng điều chỉnh (corrective move) biểu thị bằng kênh giá đường nét đứt. Xu hướng giảm này vẫn tiếp tục duy trì mãi cho đến khi xuất hiện impulsive move mạnh mẽ ngược xu hướng ở mũi tên đỏ cuối cùng, bên phải. Lúc này phe Bán đã bắt đầu mất kiểm soát khi họ bắt đầu chốt lời và thoát lệnh hàng loạt, cùng với đó là sự gia nhập mạnh mẽ của phe Mua.
Các bạn cũng thấy đó, không có gì bí mật đằng sau các big boys, họ luôn để lại dấu vết mỗi khi hành động. Việc của chúng ta là hãy rèn luyện và xác định thật tốt những con sóng như thế này sớm nhất có thể để nắm bắt được các cơ hội giao dịch tốt nhất.
Ví dụ về cách vận dụng và giao dịch với Sóng đẩy
Dưới đây là ví dụ về Vàng ở H1 chart.
Bắt đầu ở phía trên bên trái, Vàng đang trong một vùng tích lũy nhỏ – sóng (A). Sau đó nến 1 kích hoạt bắt đầu một sóng giảm mạnh – sóng đẩy (B) với 22 giá trong 5 giờ.
Nến 2 kết thúc sóng đẩy, bắt đầu cho một sóng điều chỉnh (C) ngược với sóng đẩy (B), tăng 11 giá trong 35 giờ. Chúng ta có thể thấy sóng điều chỉnh đi với thời gian lâu hơn gấp 7 lần, nhưng giá trị chỉ bằng ½ so với sóng đẩy.
Đây là một ví dụ rõ ràng cho thấy vì sao chúng ta giao dịch ngược xu hướng (counter-trend) thường ít lợi nhuận hơn so với giao dịch theo xu hướng. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể giao dịch ngược xu hướng, nhưng lợi nhuận tiềm năng là rất thấp.
Sóng (C) kết thúc bằng nến số 3, cũng là nến bắt đầu cho sóng đẩy mới (D), hoặc điểm bắt đầu có thể từ nến số 4 sau khi phá vỡ kênh giá điều chỉnh và test lại EMA20 bằng cây nến pinbar giảm, giá giảm 23 giá chỉ trong 2 giờ sau cây nến số 4.
Tương tự với sóng điều chỉnh (E) và sóng đẩy sau đó bắt đầu từ nến số 6 test lại EMA20.
Từ ví dụ trên chúng ta có thể thấy việc xác định được các sóng đẩy, sóng điều chỉnh là rất quan trọng. Nó giúp chúng ta biết được nên trade theo xu hướng nào.
Một sóng đẩy thường theo sau bởi một sóng điều chỉnh yếu, giá thường pullback về lại EMA20 hoặc các ngưỡng hỗ trợ / kháng cự, đây là những thời điểm nên thực hiện giao dịch nhất. Chúng cung cấp cho ta các cơ hội giao dịch với xác suất thành công cao và tỉ lệ Risk:reward tốt. Với điểm entry tại số 4 cho ta 5R hoặc với entry tại số 6 cho ta 4R, với các điểm cắt lỗ nhỏ ở trên của EMA20 và đuôi nến.
Những cơ hội vào lệnh như thế này luôn xuất hiện ở bất kỳ khung thời gian, bất kỳ sản phẩm giao dịch nào. Nếu bạn luyện tập và thực hành liên tục để hiểu rõ và xác định được chúng, bạn có thể kiếm được lợi nhuận rất đáng kể khi giao dịch theo các sóng đẩy này. Nó không chỉ giúp bạn giao dịch theo đúng xu hướng, mà còn tìm được các setup giao dịch có lợi nhuận tiềm năng cao.
Kết luận
Khi bạn có thể hiểu và vận dụng được các kiến thức trên để xác định các sóng đẩy và sóng điều chỉnh, tôi tin bạn sẽ cải thiện được hiệu suất và hiệu quả trong giao dịch của mình rất nhiều, như:
- xác định được xu hướng đúng của thị trường, biết bên nào đang kiểm soát thị trường và giao dịch theo xu hướng
- tìm được các cơ hội pullback tốt để giao dịch tiếp diễn xu hướng
- biết được khi nào thị trường có khả năng tiếp tục xu hướng, và khi nào thị trường có khả năng đảo chiều
- tìm các giao dịch có lợi nhuận tiềm năng tốt, có xác suất thắng cao (giao dịch theo sóng đẩy)
Nếu bạn quan tâm đến việc tìm hiểu thêm về cách kết hợp sóng đẩy và sóng điều chỉnh vào chiến lược giao dịch của mình, bạn có thể tham khảo lớp học Trading MasterClass của tôi. Với sự hướng dẫn và các ví dụ thực tế, bạn sẽ có được kiến thức và kỹ năng tốt hơn để trở thành một nhà giao dịch thành công, đưa giao dịch của bạn lên một tầm cao mới!
Nhận xét 0