Shadow banking hay hoạt động ngân hàng ngầm đề cập đến các hoạt động tài chính được thực hiện bên ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Các hoạt động ngân hàng ngầm thường được thực hiện bởi các tổ chức tài chính phi ngân hàng, chẳng hạn như các quỹ phòng hộ hoặc các công ty tài chính tư nhân. Hoạt động Ngân hàng ngầm ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây, vì nó đại diện một phần cho thị trường tài chính ngày càng phát triển.
Lịch sử của ngân hàng ngầm có thể bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20, nhưng nó mới được chú ý rộng rãi hơn gần đây khi là yếu tố tác động quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với việc chứng khoán hóa các khoản thế chấp dưới chuẩn, được gộp lại với nhau và bán dưới dạng các sản phẩm tài chính phức tạp. Những sản phẩm này có đòn bẩy cao và thường có tính minh bạch thấp, các nhà đầu tư tham gia nhưng dường như không hiểu đầy đủ những rủi ro mà họ có thể phải gánh chịu
Đọc thêm: Rủi ro là gì? – Phân loại và Quản trị rủi ro trong đầu tư
Shadow banking là gì?
Shadow banking hay còn gọi là Ngân hàng ngầm / tài chính ngầm hay ngân hàng bóng. Thuật ngữ này được sử dụng khi nói đến các hoạt động thường diễn ra trong bóng tối của hệ thống ngân hàng truyền thống, và ít bị điều tiết theo các quy định và giám sát chặt chẽ của hệ thống ngân hàng.
Mặc dù hoạt động “ngân hàng ngầm” này có thể cung cấp tín dụng rất cần thiết cho những người đi vay không có khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng truyền thống, nhưng nó cũng có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính nếu việc cho vay không được quản lý và giám sát hợp lý.
Điều này là do các hoạt động ngân hàng ngầm thường liên quan đến các sản phẩm tài chính có mức độ rủi ro, đòn bẩy cao hơn, và cũng phức tạp hơn. Đồng thời có thể có tác động rộng lớn hơn đến nền kinh tế nếu chúng gặp khó khăn về tài chính.
Shadow banking lending hay còn gọi là hoạt động “Cho vay ngân hàng ngầm”, đề cập đến hoạt động cung cấp tín dụng và các dịch vụ tài chính khác bên ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Bao gồm hoạt động của các tổ chức phổ biến như cho vay ngang hàng, quỹ phòng hộ, quỹ thị trường tiền tệ và các hình thức cho vay không được kiểm soát khác.
Lợi ích và rủi ro của hoạt động ngân hàng ngầm
Hoạt động ngân hàng ngầm có thể mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như cho phép các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng mà họ không thể có được thông qua các ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những rủi ro tiềm ẩn liên quan như các rủi ro hệ thống trong hệ thống tài chính, có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính diện rộng như 2008 trong quá khứ.
Đang có một số tranh luận giữa việc có nên kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động ngân hàng ngầm này hay không, để không dẫn đến những khủng hoảng tương tự nữa. Với một bên khác thì cho rằng nếu quy định quá chặt chẽ với các hoạt động tài chính ngầm này không cần thiết sẽ kìm hãm sự đổi mới và cản trở tăng trưởng kinh tế. Làm sao để cân bằng được giữa lợi ích của các tổ chức cũng như nhu cầu tiếp cận tín dụng của người dân và tạo thanh khoản tốt hơn cho thị trường là điều cần thiết.