Price Action trading – Giao dịch theo hành động giá là một phương pháp giao dịch phổ biến hiện nay, dựa trên ý tưởng rằng giá phản ánh tất cả thông tin sẵn có trên thị trường. Việc phân tích hành động giá trên đồ thị của một loại tài sản đủ để cung cấp thông tin chi tiết và dựa vào đó có thể đưa ra quyết định giao dịch mua và bán với một Price Action trader.
Vậy giao dịch theo hành động giá là gì và làm thế nào để vận dụng chúng trong giao dịch sao cho hiệu quả. Trong bài viết này, anhthucfx sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết nhé.
Nội dung bài viết
Price Action Trading – giao dịch theo hành động giá là gì?
Theo định nghĩa đơn giản nhất, hành động giá là chuyển động của giá theo thời gian. Bất kể là quan sát trên khung thời gian nào, từ 1 phút cho đến 1 tuần, 1 tháng. Và cũng áp dụng với bất kỳ sản phẩm giao dịch nào, miễn là có sự biến động giá.
Giao dịch theo hành động giá – Price Action vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học của trading, khi người giao dịch chỉ quan sát thị trường với ít hoặc không có thêm bất kỳ chỉ báo (indicators) nào trên đồ thị giá (chart).
Bằng cách đọc hành động giá, bạn có thể:
- Quan sát được các tổ chức lớn thường tập trung vào lệnh ở vùng giá nào
- Cách xác định xu hướng thị trường
- Xác định được vùng giá hỗ trợ / kháng cự
- Xác định cụ thể được khi nào nên vào lệnh, thoát lệnh
- Cách đọc các mô hình giá, điểm phá vỡ (breakout), điểm đảo chiều (reversals),…
- Cách xác định sóng đẩy (impulsive moves) và sóng điều chỉnh (corrective moves)
Và còn nhiều nữa.
Đây là lý do tại sao học cách đọc hành động giá là một phần quan trọng trong quá trình giao dịch của mỗi trader.
Tuy nhiên, bản thân Price Action cũng có nhiều trường phái khác nhau, dựa trên cách tiếp cận của từng người đối với mỗi phương pháp khác nhau, mà có những điểm khác biệt chính trong cách một trader ra quyết định giao dịch trên thị trường.
Đa số ngoài kia bạn sẽ nhìn thấy, cách tiếp cận phổ biến nhất với Price Action là thông qua các mô hình giá (price patterns). Một số mô hình phổ biến có thể như: mô hình lá cờ, mô hình tam giác, mô hình hai đỉnh – hai đáy, hay mô hình nến (candlestick patterns) như: pinbar, inside / outside bars,… Nếu bạn cũng đang như vậy, thì bạn chỉ mới tiếp cận phương pháp giao dịch Price Action ở mức độ cơ bản, và chưa hiểu hết về phương pháp phân tích Hành động giá này.
Để tiếp cận ở mức độ cao hơn, khi quan sát vào đồ thị giá, chúng ta không bắt đầu bằng việc đọc hiểu các thanh nến, mô hình nến, mà sẽ bắt đầu bằng việc đọc hiểu cấu trúc thị trường, hay còn gọi là context – bối cảnh hành động giá tại thời điểm mà chúng ta quan sát.
Với cách tiếp cận mới này, tôi sẽ cùng bạn khám phá từ từ nhé.
Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về Order Flow (dòng lệnh), động lực gần nhất thúc đẩy giá chuyển động, từ đó tạo ra xu hướng cho thị trường. Và chúng ta là những người giao dịch theo xu hướng. Trong trading cũng có một câu châm ngôn rất hay “Trends is your friend” – Xu hướng là bạn, các bạn nhớ nhé.
Order Flow là gì?
Order Flow là tổng của tất cả các lệnh mua và bán được thực hiện trên thị trường. Và tất nhiên, không quan trọng là lệnh đó được thực hiện bằng phương pháp gì, bằng phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật. Order Flow chính là nguyên nhân tác động lớn nhất để Hành động giá thay đổi.
(Trong bài viết này, và nhiều bài viết khác trên blog này, xin cho phép tôi giữ nguyên các khái niệm tiếng Anh khi trình bày, vì nhiều từ rất khó để có thể diễn giải nghĩa ngắn gọn bằng tiếng Việt được).
Bởi vì chúng ta không thể tiếp cận trực tiếp được với Order Flow, do đó chúng ta phải quan sát thông qua Hành động giá. Chính hành động giá là “dấu chân” mà Order Flow để lại trên đồ thị. Đây chính là cách tốt nhất, trực quan nhất mà tôi muốn bạn tiếp cận về phương pháp Price Action, để thay đổi tư duy quan sát và nâng tầm giao dịch trên thị trường.
Đối với một thị trường có tính thanh khoản cao như thị trường ngoại hối (forex), thì việc áp dụng các phương pháp phân tích trên đồ thị như Price Action cũng trở nên thuận lợi và dễ áp dụng hơn rất nhiều.
Chúng ta sẽ không trade theo phân tích cơ bản, vì phân tích cơ bản sẽ thực hiện hành động dựa trên thông tin. Các thông tin đó sẽ được tổng hợp, và traders ra quyết định mua bán dựa trên phân tích các thông tin được tổng hợp đó. Từng quyết định mua bán sẽ tạo ra Order Flow, và từ đó tạo ra các hành động giá trên đồ thị.
Vì vậy Order Flow, về bản chất cũng được dẫn dắt bởi các thông tin.
Nhiều người trong chúng ta thường sẽ nghĩ các big boys, banks sẽ là những người có lợi thế nhất về mặt thông tin. Nhưng không, thực sự họ chỉ là những tổ chức có lợi thế thứ 2, họ cũng phải quan sát Order Flow thông qua thông tin của các Khách hàng của họ.
Đây chính là nền tảng cơ bản nhất mà tôi muốn trao đổi với các bạn trước để tiếp cận về phương pháp Price Action.
Price Action Context
Đầu tiên, chúng ta cũng tìm hiểu định nghĩa “Context” là gì?
Theo Wikipedia, “context” – “bối cảnh” là điều kiện lịch sử, hoặc hoàn cảnh chung có tác dụng đối với một con người, hoặc một sự kiện. Hay theo nghĩa rộng hơn, bối cảnh là cách chúng ta tiếp cận và một tình huống dựa trên các biến thể môi trường xung quanh nó.
Trong Price Action trading, “context” là đề cập đến trạng thái hành động giá của thị trường tại thời điểm quan sát trên đồ thị và các yếu tố cấu thành nên nó, để từ đó giúp bạn ra quyết định giao dịch với các Order Flow trên. Các yếu tố đó có thể là cấu trúc thị trường (market structure), xu hướng (trend), các mức giá chính (key price levels), các vùng hỗ trợ, kháng cự (support & resistance zones).
Một cách đơn giản, Price action context là cái nhìn tổng quan về thị trường. Nó giúp các nhà giao dịch hiểu những gì đang xảy ra trên thị trường tại một thời điểm nhất định, điều này rất cần thiết để đưa ra các quyết định giao dịch sáng suốt.
Các bạn phải lưu ý rằng, 1-2 cây nến không phản ánh hết Order FLow của thị trường. Đó là lý do vì sao nhiều người học về các mô hình nến như engulfing, pinbar, doji,… thường không thành công, vì đơn giản “một cánh én không thể làm nên mùa xuân”.
Bạn phải hiểu được rằng, những “nhà tạo lập” họ có thể quyết định được cây nến đó xuất hiện như thế nào, và họ hiểu những nhà đầu tư mới sẽ hành động ra sao tại đó. Do đó bạn sẽ luôn là những người hành động trễ nếu giao dịch theo những mô hình nến như vậy.
Order Flow phải được quan sát thông qua một chuỗi những thanh nến, hành động giá liên tiếp nhau. Chúng sẽ cho chúng ta biết được Order Flow ẩn đằng sau đó, và định hướng được xác suất thị trường sẽ đi như thế nào trong thời gian tới. Bạn cũng phải luôn nhớ khái niệm về “Xác suất” trong trading.
Đọc thêm: Suy nghĩ và tư duy xác suất trong giao dịch Forex
Price Action context chính là cấu trúc, hình dạng được cấu thành bởi những Order Flow.
Để đọc hiểu Price Action context, chúng ta sẽ phân tích dựa trên 3 yếu tố:
- Impulsive moves và Corrective moves (Sóng đẩy và sóng điều chỉnh): giúp xác định xu hướng của thị trường đang tăng, giảm hay đi ngang trong ngắn / dài hạn.
- Volatile và Non-volatile trends (sự biến động của xu hướng): giúp xác định độ mạnh / yếu của xu hướng
- Support và Resistance zones (các vùng hỗ trợ và kháng cự): giúp xác định vùng ra / vào lệnh
Chi tiết về 3 yếu tố này, tôi sẽ hẹn bạn ở những bài viết tiếp theo.
Giống như một cầu thủ bóng rổ, bạn phải có kỹ năng ném rổ thuần thục, với một cầu thủ bóng đá, bạn phải có đôi chân xuất sắc. Trading Price Action cũng vậy, bạn phải có khả năng đọc hiểu hành động giá thuần thục khi quan sát trên đồ thị. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ giới thiệu về các khái niệm cơ bản.
Ví dụ về đọc hiểu Hành động giá
Sau đây, là một ví dụ, cách mà những bạn mới tìm hiểu về Price Action giao dịch với các mô hình giá thiếu sót như thế nào, nếu không hiểu về Order flow, về Price action context.
Mô hình nến Inside bar là một mô hình phổ biến trong Price Action.
Inside Bar được định nghĩa là tất cả các hành động giá (bao gồm cả thân và bóng nến) của nến phía sau nằm trọn trong phạm vi (range) của nến trước đó. Các bạn có thể quan sát hình ảnh minh họa dưới đây:
Mô hình nến Inside bar có thể giao dịch được cả đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng. Nhưng khi nào thì giao dịch đảo chiều? Khi nào thì giao dịch tiếp diễn theo xu hướng?
Chúng ta phải quan sát Order Flow. Để tôi giải thích thêm nhé.
Giả sử, chúng ta đang quan sát đồ thị, và còn một thời gian ngắn (vài giờ) nữa sẽ có một sự kiện quan trọng như bản tin Nonfarm thứ Sáu hàng tháng, hoặc chuẩn bị cho đợt nghĩ lễ gì đó xảy ra. Những lúc như thế này, thị trường thường ít biến động trước thời điểm ra tin, các nhà đầu tư thường e dè ngồi “hóng” tin chứ ít vào lệnh hoặc chỉ vào lệnh nhỏ thăm dò, do đó tính thanh khoản thị trường lúc này sẽ thấp, thường sẽ tạo các biến động nhỏ cho đến khi sự kiện xảy ra và kết thúc.
Lúc này, các mô hình inside bar sẽ dễ hình thành. Và bạn vội vàng giao dịch, chưa biết đúng sai nhưng bạn đang chưa tối ưu về mặt thời gian – “timing”. Đồng nghĩa với việc rủi ro lệnh giao dịch của bạn sẽ tăng cao hơn.
Khi bạn xác định được ai đang kiểm soát thị trường (phe Mua hay phe Bán), Order Flow đằng sau nó, bạn sẽ có thể xác định được tiếp theo thị trường sẽ tiếp diễn hay đảo chiều xu hướng. Giá sẽ tiếp tục phá vỡ (breakout) hay nhiều khả năng sẽ false breakout (phá vỡ giả).
Do đó, việc đọc hiểu được thị trường, cách Order Flow đang hành động, là một việc rất quan trọng trong phương pháp giao dịch Hành động giá – Price Action Trading. Điều này có thể sẽ giúp bạn tránh được ra quyết định ra / vào lệnh “mù quáng” theo các mô hình giá, mô hình nến hay đơn thuần mua tại hỗ trợ, bán tại kháng cự,…
Như bạn quan sát hình dưới, chỉ một đoạn ngắn trên đồ thị thôi nhưng đã có rất nhiều mô hình Inside bar được hình thành. Nhưng không phải mô hình nào cũng chạy tương tự như mô hình nào. Và nếu chúng ta không hiểu rõ về chúng, thì rất có thể chúng ta sẽ không biết cách làm sao tránh nó hay làm sao vận dụng được nó để giao dịch. Bạn sẽ bị lạc vào “mê hồn trận” và rất dễ dính thua lỗ.
Dưới đây là một ví dụ khác về inside bar, được hình thành trong một xu hướng giá đang tăng mạnh, và giá tiếp diễn xu hướng tăng sau mô hình inside bar đó.
Chúng ta có thể đọc hiểu Order flow như sau:
- Giá tăng liên tiếp trong 3 ngày trước đó, cho thấy phe Mua rõ ràng đang kiểm soát thị trường
- Nến inside bar hình thành, mặc dù nến giảm, nhưng không phá vỡ cấu trúc của nến trước đó, cho thấy thị trường vẫn đang tôn trọng phe Mua, lực Bán yếu ớt
- Sau đó, phe Mua tiếp tục đẩy giá tăng mạnh sau một sự điều chỉnh yếu của thị trường.
Từ các ví dụ trên, bạn có thể thấy việc đọc Order Flow và hiểu “context” quan trọng như thế nào trong Price Action trading, và nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn ra quyết định ra / vào lệnh trên trị trường.
Kết luận
Price Action trading – Giao dịch theo hành động giá, là một phương pháp giao dịch hữu hiệu, bạn có thể ứng dụng phân tích trên bất kỳ khung thời gian nào với bất kỳ sản phẩm giao dịch nào.
Nếu chỉ giao dịch Price Action với các mô hình nến, mẫu hình giá không thôi thì chưa đủ, rất có thể bạn sẽ bị thị trường đánh lừa, nến không đọc được Order Flow và hiểu được Price action context đằng sau nó.
Khi bạn đọc, hiểu được Order Flow, bạn sẽ có thể biết được ai đang kiểm soát thị trường, phe Mua hay phe Bán, đâu là vùng hỗ trợ / kháng cự tiềm năng, khi nào thị trường sẽ tiếp diễn, đảo chiều, khi nào xu hướng bị phá vỡ,..
Nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết hơn cách đọc hành động giá và Order Flow đằng sau nó, hãy xem khóa học Trading Masterclass của chúng tôi, nơi bạn sẽ học cách đọc cấu trúc hành động giá hoàn chỉnh (và nâng cao) dựa trên từng quy tắc để giao dịch trên thị trường.