Sau khi tìm hiểu các khái niệm cơ bản, và cách để chúng ta giao dịch trên thị trường ngoại hối. Bây giờ chúng ta đi đến tìm hiểu một phương pháp giao dịch thực sự, cái sẽ giúp các bạn ra quyết định mua hay bán trên thị trường để tìm kiếm lợi nhuận.
Thị trường forex vốn dĩ đã phức tạp, do đó, với tôi thì nên lựa chọn những phương pháp phân tích nào đó tiếp cận đơn giản, rõ ràng, dễ đọc hiểu thị trường mà không cần sử dụng quá nhiều chỉ báo (indicators).
Vì vậy, sau khi tìm hiểu và thực hành nhiều phương pháp trên thị trường, tôi đã lựa chọn phương pháp Price Action để giao dịch, một phương pháp đọc hiểu thị trường thông qua các hành động giá thực theo thời gian, tối thiểu hóa các chỉ báo trên đồ thị.
Nội dung bài viết
Price Action là gì?
Price Action là phương pháp phân tích theo hành động giá, không cần sử dụng các chỉ báo (indicators), nghĩa là bạn chỉ sử dụng biểu đồ nến để nhận định thị trường.
Phương pháp này đơn giản là tìm kiếm các mô hình giá quen thuộc sẽ lặp lại, có xác suất thành công cao, đọc hiểu dòng tiền (order flow) xung quanh các hành động giá, xác định xu hướng của thị trường ở hiện tại và từ đó dự đoán hướng đi tiếp theo của giá ở tương lai.
Ví dụ, nếu thị trường đang ở trong xu hướng tăng, chúng ta nên tìm các cơ hội giao dịch Mua lên khi giá có sự điều chỉnh về tại vùng hỗ trợ chính của xu hướng tăng đó.
Hãy luôn nhớ rằng, trong Price Action, bạn giao dịch thuận theo xu hướng của thị trường để tăng xác suất thành công trong giao dịch.
Bạn vẫn có thể kiếm được lợi nhuận khi giao dịch ngược xu hướng, nhưng nó đòi hỏi cần nhiều kinh nghiệm hơn ở thị trường này, không phù hợp cho những người mới bắt đầu tìm hiểu.
Giao dịch theo xu hướng là gì?
Khi bạn bắt đầu tìm hiểu về thị trường Ngoại hối, bạn sẽ được nghe rất nhiều người lặp lại câu nói nổi tiếng “Trend is your friend” (Xu hướng là bạn).
Câu này có nghĩa là gì?
Bạn hãy tưởng tượng thị trường là vùng biển rộng lớn và đang xuất hiện một cơn sóng hướng về phía bờ.
Điều đơn giản nhất mà bạn – một trader có thể làm lúc này chính là cưỡi trên con sóng đó để trôi theo dòng nước về bờ, chứ không phải bơi ngược để chống lại nó.
Quay trở lại với thị trường:
- Con sóng ở đây chính là xu hướng hiện tại của thị trường.
- Dòng nước – chính là dòng tiền (order flow) của thị trường lúc này.
- Bơi ngược sóng – chính là bạn đang đi ngược lại xu hướng của thị trường.
Tất nhiên, một xu hướng có thể thay đổi tại bất kỳ thời điểm nào trên thị trường.
Nhưng việc xác định được điểm đảo chiều này cần rất nhiều kinh nghiệm và thời gian thực hành, nghiên cứu thị trường. Hơn nữa, việc bơi ngược dòng nước thì luôn tốn công sức hơn rất nhiều.
Do đó, khả năng chống lại xu hướng thị trường thì khó khăn hơn và xác suất thành công cũng sẽ thấp hơn.
Thị trường có những xu hướng nào?
Theo như lý thuyết Dow chúng ta đã tìm hiểu ở bài trước, thì thị trường được phân ra làm 3 xu hướng chính:
- Xu hướng tăng
- Xu hướng giảm
- Xu hướng đi ngang
Dù ở xu hướng nào thì chúng ta đều có khả năng để tìm kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, việc xác định được thị trường đang ở xu hướng nào sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong phân tích, và dễ dàng tạo các lợi thế giao dịch hơn.
Tất nhiên mọi thứ đều cần có nguyên tắc giao dịch rõ ràng.
Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu đặc điểm từng xu hướng.
Xu hướng tăng
Một xu hướng được xem là tăng khi hành động giá trên biểu đồ tạo thành các đỉnh – đáy cao dần, có nghĩa là đỉnh sau phải cao hơn đỉnh trước, và đáy sau đồng thời cũng cao hơn đáy trước đó.
Khi bạn xác định được thị trường đang ở xu hướng tăng, việc đơn giản và nên làm nhất lúc này là tìm kiếm các cơ hội Mua lên (đặt lệnh BUY).
Yếu tố quan trọng nhất bây giờ sẽ là Mua ở đâu, vị trị nào, thời điểm nào?
Tất nhiên, lý tưởng nhất là bạn có thể đặt được ở những vị trí thấp nhất có thể, để tối đa hóa được tiềm năng lợi nhuận của bạn, và giảm thiểu rủi ro thua lỗ ở mức thấp nhất.
Xu hướng giảm
Ngược lại, một xu hướng được xem là giảm khi hành động giá trên biểu đồ tạo thành các đỉnh – đáy thấp dần, có nghĩa là đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, và đáy sau đồng thời cũng thấp hơn đáy trước đó.
Trong một xu hướng giảm thì bạn nên ưu tiên tìm kiếm các cơ hội Bán ra (đặt lệnh SELL).
Để tối đa hoá lợi nhuận, bạn sẽ cần phải đặt tại điểm tỷ giá cao nhất có thể, qua đó cho phép bạn tận dụng được bất kỳ sự giảm giá nào của thị trường.
Xu hướng đi ngang
Sẽ có những lúc thị trường đi không rõ xu hướng nào trong cả 2 xu hướng trên.
Tức là các hành động giá không thể hiện rõ các đỉnh – đáy cao dần hay thấp dần, hoặc xuất hiện ngẫu nhiên, thì lúc này chúng ta định nghĩa là thị trường đi ngang.
Về mặt tâm lý, thị trường đi ngang có nghĩa là phe Mua và phe Bán đang giằng co, chưa phân định được bên nào chiến thắng.
Lúc này, nhà đầu tư sẽ có hai lựa chọn, hoặc sẽ tiếp tục giao dịch, hoặc sẽ đứng ngoài chờ cho một bên chiến thắng rõ ràng rồi đi theo xu hướng mới.
Cách xác định và giao dịch theo xu hướng
Một trong những điều quan trọng nhất khi xác định xu hướng là xác định khung thời gian giao dịch của bạn.
Thông thường, khi bạn phân tích một xu hướng dài hạn, bạn sẽ sử dụng một khung thời gian dài hạn tương ứng như 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng.
Khi bạn giao dịch ngắn hạn trong ngày, thì bạn sử dụng các khung thời gian ngắn như 4 giờ hoặc 1 giờ trở xuống sẽ có giá trị hơn.
Bạn không nên giao dịch ở những khung thời gian quá ngắn như 15 phút, 5 phút nếu chưa có kinh nghiệm giao dịch đủ vững. Bởi vì khung thời gian càng nhỏ, thị trường biến động càng ngẫu nhiên.
Một Price Action trader thường quan sát kỹ các hành động giá xảy ra trên biểu đồ, xác định khung thời gian phân tích hiện tại đang ở trong xu hướng tăng, xu hướng giảm hay trong một thị trường đi ngang.
Sau đó trader sẽ xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự tiềm năng để ước lượng vị trí thực hiện lệnh giao dịch của mình tại các vùng đó.
Khi các bước trên được hoàn thành sẽ giúp nhà đầu tư xác định được các setups (mẫu hình) price action có xác suất cao để giao dịch.
Dưới đây là ví dụ điển hình về một price action setup, được gọi là phá vỡ theo động lực giá (momentum breakout), thường được sử dụng trong điều kiện thị trường đang có xu hướng mạnh mẽ. Và có xác suất thắng cao khi giao dịch thuận theo xu hướng hiện tại của thị trường.
Khi bạn giao dịch theo xu hướng, tức là bạn đang giao dịch thuận theo dòng tiền (order flow) của thị trường, cũng chính là xu hướng mà các big boys (các nhà đầu tư lớn) đang mong muốn thị trường thay đổi theo, do đó tỉ lệ chiến thắng của bạn từ đó cũng cao hơn.
Hỗ trợ và kháng cự là gì?
Đây là 2 thuật ngữ bạn sẽ liên tục gặp khi dùng phân tích kỹ thuật.
Kháng cự và hỗ trợ được định nghĩa chung là vùng giá mà tại đó nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ đảo chiều.
- Gặp ngưỡng kháng cự thì có khả năng đảo chiều từ xu hướng tăng sang giảm.
- Gặp ngưỡng hỗ trợ thì có khả năng đảo chiều từ xu hướng giảm sang tăng.
Một mức hỗ trợ được xác định bên dưới giá hiện tại của một sản phẩm.
Điều này có nghĩa là giá có nhiều khả năng khi quay về vùng hỗ trợ này sẽ tăng trở lại hơn là đi xuyên qua nó.
Một quy tắc chung là các mức hỗ trợ thường có xu hướng ngăn giá giảm xuống thấp hơn.
Về cơ bản, vùng hỗ trợ này sẽ thu hút người mua quay lại thị trường với tâm lý “giá sẽ không giảm tiếp nữa”.
Ngược lại, kháng cự được xác định bên trên mức giá hiện tại của một sản phẩm và hoạt động như một mức trần cho giá khi chúng tăng.
Về cơ bản, nó khuyến khích các nhà giao dịch đóng các lệnh mua của họ và thu hút phe bán trở lại thị trường với tâm lý “thị trường sẽ không tăng cao hơn được nữa, vì vậy tôi sẽ đóng lệnh mua của mình bằng cách bán ra”.
Cách xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự
Thông thường, các nhà phân tích thường xác định vùng hỗ trợ, kháng cự theo các phương pháp như:
- các đỉnh trước và đáy trước
- các mô hình nến đảo chiều
- các mô hình giá
- các đường trung bình động
- đường xu hướng (trendline)
- các dãy fibonacci
- hoặc các công cụ chỉ báo (indicators) khác,…
Khi mức hỗ trợ bị phá vỡ, nó sẽ trở thành một mức kháng cự mới và khi mức kháng cự bị phá vỡ, nó sẽ trở thành một mức hỗ trợ mới.
Sóng đẩy và sóng điều chỉnh
Đây là 2 yếu tố quan trọng bậc nhất bạn cần phải hiểu để đọc cấu trúc, hành động giá khi giao dịch bằng phương pháp Price Action.
Sóng đẩy và sóng điều chỉnh cho chúng ta biết ai đang kiểm soát thị trường lúc này (phe Mua hay phe Bán), họ kiểm soát ở đâu, lúc nào, và cách chúng ta nên tham gia giao dịch như thế nào trong thời gian tới.
Thị trường thường chuyển động theo xu hướng (hay còn gọi là sóng). Khi những cơn sóng cùng chiều với xu hướng thì được gọi là sóng đẩy.
Những con sóng ngược chiều với xu hướng đang quan sát được gọi là sóng điều chỉnh (sóng hồi)
Khi bạn xác định tốt được sóng đẩy và sóng điều chỉnh, tức là bạn đang học cách để trade theo xu hướng của thị trường, nơi các tay chơi lớn đang cùng tham gia, do đó cũng sẽ giúp bạn tăng độ chính xác và tỉ lệ thành công mỗi khi vào lệnh giao dịch.
Sẽ là thiếu sót, không đầy đủ khi bạn tiếp cận phương pháp Price Action nhưng chỉ tìm hiểu qua các mẫu hình nến, mô hình giá nhưng không quan sát được toàn bộ ngữ cảnh xung quanh cấu trúc giá đó.
Trong phạm vi là một bài viết cơ bản, mang tính chất giới thiệu các khái niệm, tôi sẽ không đi quá sâu vào từng đặc điểm, hay cách xác định chúng như thế nào.
Tôi sẽ dành thời gian viết chi tiết hơn kèm các ví dụ cụ thể hơn ở những bài khác để các bạn cùng tham khảo và vận dụng chúng vào giao dịch.
Kết luận
Mặc dù là phương pháp Price Action có thể sử dụng được với bất kỳ khung thời gian nào, bất kỳ cặp tiền, sản phẩm giao dịch nào.
Nhưng tốt hơn hết với người mới, thì ban đầu bạn chỉ nên áp dụng vào phân tích ở các cặp chính, có tính thanh khoản cao như EURUSD, GBPUSD, USDJPY,.. ở các khung thời gian H4 hoặc Daily.
Khi bạn quan sát ít, tập trung vào từng cặp tiền nhiều hơn, thì bạn sẽ nắm rõ được thói quen biến động của cặp tiền đó.
Bạn sẽ hiểu được độ biến động của nó trong mỗi phiên giao dịch, trong một ngày, hay cách nó phản ứng với các vùng hỗ trợ, kháng cự ra sao,…
Những điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong thời gian đầu tiếp xúc với phương pháp Price Action và phân tích giao dịch.
Đối với phương pháp Price Action, các tin tức, sự kiện liên quan đều được phản ánh thông qua hành động giá trên biểu đồ.
Bởi vì, suy cho cùng, các traders phản ứng với tin tức thông qua các lệnh giao dịch Mua hoặc Bán. Từ đó, được chuyển thành các hành động giá trên đồ thị, hay còn gọi là order flow (dòng tiền).
Đây cũng là lý do mà tôi lựa chọn và ưu tiên sử dụng phương pháp Price Action hơn cả để phân tích và giao dịch Forex.
Khi bạn học được cách đọc Price Action tốt, chuẩn xác, bạn hoàn toàn có thể thành công trong giao dịch forex.
Chúc bạn giao dịch thành công.
Đọc tiếp bài 7: Làm thế nào để giao dịch Forex thành công?
Tham khảo toàn bộ bài học cho người mới tại đây: Khóa học Forex miễn phí