Tôi kể một câu chuyện rất thường gặp ở các traders của chúng ta trên thị trường.
Một trader, tôi gọi là Sơn, giao dịch tài khoản 3000$ trong nhiều năm liên tiếp.
Sơn thường mang về cho mình 10.000$ với tài khoản trên trong khoảng 1 năm.
Sau khi đạt được 10.000$, Sơn lại rút ra 7000$ và để lại 3000$ như ban đầu, cứ lặp lại như vậy trong nhiều năm giao dịch của mình.
Cuối cùng, nhiều người nhận ra được khả năng giao dịch của Sơn.
Họ xem lịch sử giao dịch với một đường cong vốn tốt (Đường cong vốn thể hiện khả năng bạn đã kiếm được bao nhiêu tiền trong một thời gian giao dịch nhất định).
Tỷ lệ Risk:reward (tỷ lệ lời – lỗ) tốt, tỷ lệ drawdown thấp (drawdown là mức sụt giảm tài khoản đầu tư từ mức vốn đỉnh đến mức vốn đáy trong một khoảng thời gian giao dịch nhất định),… các chỉ số đều thể hiện Sơn là một nhà giao dịch tốt.
Sau một chuỗi thẩm định và theo dõi tài khoản giao dịch, Sơn được một công ty quỹ rót vốn trade với tài khoản 100.000$.
Câu chuyện bắt đầu từ đây
Sơn bắt đầu trade tệ đi, các lệnh thua xuất hiện nhiều hơn, và lặp lại, với các chuỗi lệnh thua liên tục.
Sơn không thể hiện được phong độ như trước kia của mình, liên tục mắc các lỗi lầm khi giao dịch. Không theo các kế hoạch giao dịch có sẵn, thiếu kỷ luật, vi phạm nguyên tắc quản lý vốn,…
Mọi người bắt đầu đặt câu hỏi.
Có phải thị trường đã thay đổi, phương pháp của Sơn trước kia đã không còn phù hợp với hiện tại
Hay đơn giản là đây không phải là tài khoản của Sơn nên Sơn giao dịch khác thường?,…
Hàng loạt các câu hỏi hiện ra, tuy nhiên họ quên mất một điều.
Số vốn vượt quá ngưỡng giao dịch của Sơn.
Ngưỡng vốn giao dịch là gì?
Chúng ta quay lại với Sơn.
Sơn đã giao dịch tâm lý rất thoải mái và hiệu quả với số vốn 3000$ của mình suốt một thời gian dài.
Giả sử mỗi lệnh giao dịch của Sơn đặt rủi ro là 300$, nếu thua, cũng không ảnh hưởng đến tâm lý của Sơn quá nhiều.
Bởi vì Sơn có thể kiếm lại số đó rất dễ với các lệnh giao dịch sau đó. (Sơn liên tục đạt được 10000$ và rút ra sau đó).
Nhưng khi giao dịch với tài khoản lớn hơn, tài khoản quỹ 100.000$.
Bắt buộc Sơn cũng phải trade với khối lượng lớn hơn, rủi ro cho mỗi lệnh cũng phải cao hơn, để phù hợp với tài khoản, tôi giả sử là 3000$.
Con số này thực sự rất lớn, nó gấp x10 lần so với rủi ro trước đó Sơn từng giao dịch, và thậm chí, một rủi ro bằng cả tổng số vốn Sơn thường giao dịch trước đó.
Một, hai lệnh đầu không sao, nhưng khi lệnh thua đến nhiều hơn.
Tâm lý của Sơn cũng bắt đầu loạn lên.
Liên tục nhìn vào phần mềm, nhìn số tiền chạy, rồi một loạt lỗi lầm lại hiện ra, hi vọng với các lệnh lỗ, nhồi lệnh nhiều hơn, rồi nhanh chóng cắt lệnh khi giá mới lời được chút ít,….
Ngưỡng vốn giao dịch là vậy.
Khi lượng tiền giao dịch trong tài khoản nhiều bất thường so với những gì bạn làm thường ngày.
Và tâm lý, cảm xúc, lý trí của bạn lúc giao dịch tài khoản lớn cũng khác so với trước đó.
Dù bạn có nhận ra nó hay không, thì mỗi người đều có một ngưỡng vốn giao dịch nhất định, có thể giống, hoặc khác nhau, có người ít, người nhiều.
Nó tùy thuộc vào: 1) tình hình tài chính của bạn lúc đó, hoặc quan trọng hơn 2) tùy thuộc vào niềm tin (cảm xúc) của bạn về tiền bạc.
Tôi thấy nhiều người dành phần lớn thời gian của mình để đi tìm hệ thống giao dịch hiệu quả. Tìm “chén thánh”, công cụ này, công cụ kia để ghép vào hệ thống giao dịch.
Nhưng rồi sau đó, họ lại thất bại với kẻ thù lớn nhất trong trading (không phải là thị trường, brokers, hay bất kì một thứ gì khác ngoài bạn), mà là CHÍNH BẠN.
Trading là một cuộc chiến với chính cảm xúc của bạn, với tâm lý về tiền bạc của chính bạn, những điều đó chính là tác nhân lớn làm giảm khả năng thành công của bạn.
Hãy hỏi chính bản thân bạn những câu hỏi sau đây?
1) Có phải bạn đã từng giao dịch rất nhiều và không theo một kế hoạch giao dịch nào?
2) Bạn đã từng có một chuỗi lệnh thắng rất hoành tráng, nhưng sau đó lại thất bại chỉ với một (hoặc 1 vài) lệnh thua lỗ lớn và rồi mất tất cả số tiền trong tài khoản?
3) Bạn đang tự tin với chuỗi giao dịch thắng lợi của mình, và rồi sau đó bạn nâng khối lượng giao dịch lên, một chuỗi lệnh thua liên tiếp xảy ra?
4) Bạn giao dịch với tài khoản demo và liên tục chiến thắng, nhưng khi chuyển sang tài khoản thật với số tiền bạn nạp vào, thì liên tục thất bại?
5) Bạn luôn nói với bản thân rằng chỉ cần đi tìm được một hệ thống giao dịch hoàn hảo, tỉ lệ thắng cao, bạn sẽ chiến thắng được thị trường và giao dịch thành công?
Bạn có thấy các câu hỏi trên quen thuộc với bạn không?
Bạn đừng buồn, hầu hết 90% traders đều trải qua những cung bậc cảm xúc như vậy.
Đáp án chung cho các câu hỏi trên là CHÍNH BẠN và TƯ DUY CỦA BẠN (your mind).
Yes, hệ thống giao dịch của bạn không phải là vấn đề.
Nhưng chính tư duy của bạn, cảm xúc, tâm lý giao dịch, hành vi của bạn xung quanh tiền bạc có thể cản trở bạn hơn bất cứ thứ gì khác.
Đó cũng là những gì Sơn ở câu chuyện trên đang mắc phải.
Sơn đang giao dịch rất thành công với số vốn 3000$ của mình suốt một thời gian dài, nhưng khi nâng vốn lên 100.000$ thì Sơn lại thất bại vẫn với hệ thống giao dịch đó, con người đó.
Sẽ thế nào nếu Sơn quay trở lại giao dịch với tài khoản 3000$ của mình?
Anh ấy sẽ vẫn tiếp tục thành công và liên tục lặp lại nó như trước kia?
Một trong những việc quan trọng nhất mà một trader có thể làm (ngoài học về thị trường, về kỹ thuật giao dịch, về quản lý vốn), đó là tìm hiểu nhiều hơn về chính bản thân mình.
Khám phá những tiềm thức và vô thức của bản thân xung quanh TIỀN BẠC và THÀNH CÔNG, những thứ có thể kéo bạn xuống bất cứ lúc nào.
Trading không phải là những gì bạn chống lại thị trường, bạn chiến thắng thị trường, chiến thắng các brokers, các nhà tạo lập, mà là chiến thắng chính bản thân bạn.
Có rất nhiều thứ bạn có thể học để xây dựng được những ý tưởng lành mạnh xung quanh tiền bạc, thành công và sự giàu có.
Khi bạn khám phá được nó, bạn sẽ học được cách đưa ra các quyết định khôn ngoan khi giao dịch, thay vì chỉ giao dịch bằng cảm xúc, bằng ngẫu nhiên,.. những điều đó chỉ làm cho tài khoản của bạn nhanh chóng bị bốc hơi.
Chúc bạn thành công trên con đường trading.