Nến Nhật là gì? – Ý nghĩa, Cách đọc, Phân tích biểu đồ nến

Rate this post

Nến Nhật được phát minh bởi người Nhật, và được xem là tinh hoa trong phân tích kỹ thuật.

Các nhà giao dịch thường sử dụng nến Nhật để phân tích và dự đoán xu hướng giá trong tương lai.

Đây là một bài viết cơ bản để giới thiệu, tìm hiểu về mô hình nến Nhật cho các bạn, đặc biệt là các traders mới có thể áp dụng vào phân tích và xác định các cơ hội giao dịch của mình. 

Lịch sử mô hình nến Nhật

nến nhật là gì

Mô hình phân tích nến Nhật lần đầu tiên được sử dụng vào thế kỷ 16. Được các nhà đầu tư sử dụng trong việc phân tích, dự đoán về thị trường giá gạo lúc bấy giờ.

Mãi đến sau này khi được đưa về phát triển tại Hoa Kỳ thì mới thực sự phổ biến với các traders.

Nến Nhật là gì?

Nến Nhật được xem là một dạng chỉ báo, dùng để nhận biết, mô tả các hành động thay đổi về giá cả của thị trường, được quan sát trong một khung thời gian nhất định.

Mỗi cây nến sẽ có một ý nghĩa riêng của nó, đều mang cho mình một câu chuyện mà thị trường muốn kể với chúng ta.

Biểu đồ nến Nhật là biểu đồ được dùng nhiều nhất, phổ biến nhất trong giới phân tích kỹ thuật hiện tại. Bạn có thể áp dụng để phân tích với bất kỳ thị trường tài chính nào như Forex, chứng khoán, Crypto, phái sinh Hàng hóa,…

Cấu trúc, cách đọc hiểu một cây nến Nhật

Một cây nến Nhật cơ bản, sẽ cho chúng ta biết được các thông tin sau:

Trên blog cũng có một bài viết riêng về Bóng nến. Các bạn có thể tham khảo lại tại đây: Bóng nến (đuôi nến) – Cách hiểu và vận dụng trong giao dịch

Với chừng đó đặc điểm trong một thanh nến Nhật, sẽ sản sinh ra rất nhiều hình thù nến Nhật khác nhau.

Phân tích từng thanh nến (bar by bar analysis) sẽ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa những thông tin mà thị trường đang muốn nói, ví dụ như:

Đồ thị nến Nhật là gì?

Đồ thị nến Nhật là đồ thị bao gồm nhiều cây nến Nhật kết hợp với nhau tạo thành.

Tùy thuộc vào khung thời gian bạn quan sát, mỗi cây nến sẽ biểu thị cho sự dao động giá trong một khoảng thời gian đó.

Ví dụ như hình bên dưới.

Chúng ta đang quan sát đồ thị Nến của Vàng, tại khung thời gian D1.

Tức là, mỗi cây nến trên đồ thị sẽ thể hiện cho biến động giá trong một ngày.

Tùy vào phong cách giao dịch của mỗi người mà bạn có thể xem nhiều khung thời gian khác nhau.

Khi bạn là một nhà đầu tư dài hạn thì có thể xem xét tại các khung thời gian như: D1 (ngày), W1 (tuần).

Hay một trader ngắn hạn thì bạn có thể chọn khung thời gian ngắn hơn như: H1 (1 giờ), H4 (4 giờ),…

Các mô hình nến Nhật đảo chiều thường gặp

Mô hình nến đảo chiều có thể xuất hiện ở xu hướng tăng. Nó cho tín hiệu giá có thể thay đổi từ xu hướng tăng sang xu hướng giảm.

Hoặc cũng có thể xuất hiện ở xu hướng giảm. Lúc này, nến đảo chiều cho tín hiệu giá có thể thay đổi từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng.

Ở bài viết này, tôi chỉ cung cấp khái niệm về các mô hình nến đảo chiều thường gặp.

Chi tiết mỗi mô hình nến có đặc điểm như thế nào, cách áp dụng ra sao sẽ hẹn bạn ở các bài viết khác.

Các mô hình nến đảo chiều tăng giá

Mô hình nến nhấn chìm tăng (Bullish Engulfing)

Mô hình nến nhấn chìm tăng là khi giá đang trong xu hướng giảm và có sự xuất hiện của một cây nến tăng cao hơn nến giảm phía trước.

Cây nến tăng này có giá mở cửa và giá đóng cửa cao hơn giá cao nhất và thấp nhất của nến giảm phía trước.

Hình dung một cách đơn giản là cây nến tăng này nhấn chìm cây nến giảm phía trước.

Mô hình này sẽ càng hiệu quả hơn khi cây nến tăng nhấn chìm được càng nhiều (hai, ba hoặc bốn,…) cây nến giảm trước đó. 

Điều này có ý nghĩa rằng, sau một thời gian giá giảm thì phe Bán không còn mặn mà khi tiếp tục Bán ở giá thấp nữa. Phe MUA thì ngược lại, khi thấy giá thấp rồi bắt đầu vào tìm cơ hội MUA được giá rẻ.

Sự đảo chiều xảy ra càng mạnh khi phe MUA vào càng nhiều với khối lượng lớn.

Mô hình nến búa (Hammer)

Mô hình này có đặc điểm với bóng nến dài phía dưới và thân nến nhỏ càng gần bóng nến trên thì càng mạnh. Bóng nến trên càng nhỏ càng tốt.

Màu sắc của thân nến sẽ không quá quan trọng. Tất nhiến với mô hình đảo chiều tăng thì thân nến màu xanh, thể hiện phe MUA có phần nhỉnh hơn, thì sẽ tốt hơn.

Ý nghĩa đằng sau cây nến này cho thấy rằng phe Bán không còn đủ lực để tiếp tục đẩy giá xuống theo xu hướng giảm trước đó. Phe Mua đã bắt đầu vào bắt đáy thị trường, tạo thành một bóng nến dài phía dưới.

Và thông thường, nhà đầu tư thường chờ một cây nến xác nhận tăng nữa để vào lệnh an toàn và xác suất chiến thắng cao hơn.

Mô hình nến Sao mai / Doji Sao mai (Morning Doji Star)

Mô hình này thường là một cụm bao gồm 3 nến, thường xuất hiện tại đáy của một xu hướng giảm.

Đầu tiên là một cây nến giảm, ở giữa sẽ là một cây nến doji và kết thúc là cây nến tăng.

Thân nến tăng càng lớn, thì lực đảo chiều sẽ càng mạnh mẽ.

Mô hình này có tên gọi là Sao mai (morning star), giống như mặt trời xuất hiện ở buổi sớm sau một đêm dài, báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu, tức là thị trường sẽ đảo chiều tăng sau đó.

Còn theo nghĩa bóng, giải thích theo ý nghĩa của nến. Thì cây nến giảm tượng trưng cho lực Bán trước đó. Cây nến doji theo sau cho thấy phe Bán không còn mặn mà để tiếp diễn xu hướng, sự do dự bắt đầu xuất hiện.

Cây  nến tăng như một sự xác nhận rằng phe Bán đã đuối sức, phe MUA bắt đầu gia nhập mạnh mẽ.

Nhiều tài liệu bổ sung thêm rằng giá đóng cửa của cây nến tăng sau cùng phải cao hơn 1/2 thân của cây nến giảm đầu tiên, thì xác suất đảo chiều sau đó sẽ cao hơn.

Các mô hình nến đảo chiều giảm giá

Các mô hình đảo chiều giảm này về bản chất thì ngược lại với các mô hình đảo chiều tăng ở trên. Chỉ khác nhau ở tên gọi và giá thì đảo chiều từ xu hướng tăng sang xu hướng giảm.

Mô hình nến nhấn chìm giảm (Bearish Engulfing)

Ngược lại với nhấn chìm tăng ở trên, mô hình nến đảo chiều nhấn chìm giảm thường xuất hiện ở cuối của một xu hướng tăng.

Đặc điểm thì cũng tương tự với ở trên, các bạn có thể đọc lại.

Ý nghĩa của mô hình nến cho rằng, sau một thời gian giá tăng thì phe Mua không còn mặn mà khi tiếp tục Mua ở mức giá cao nữa. Phe Bán thì ngược lại, khi thấy giá cao rồi bắt đầu vào tìm cơ hội Bán.

Sự đảo chiều xảy ra càng mạnh khi phe Bán vào càng nhiều với khối lượng lớn.

Mô hình nến người treo cổ (Hanging man)

Nến Hanging man – người treo cổ này về đặc điểm cũng khá giống với nến búa Hammer phía trên.

Nhưng thay vì xuất hiện ở phía dưới đáy của xu hướng giảm như nến Hammer thì nến Hanging man xuất hiện ở ở phía trên đỉnh của một xu hướng tăng.

Lúc này, cây nên trông giống như một người treo cổ ở trên cao. Nên có tên gọi là như thế.

Và treo cổ thì bạn cũng biết rồi đó, thường là điểm báo không lành tí nào.

Có người hỏi vui rằng sao lại người đàn ông, chứ không phải đàn bà?

Vì nó có thêm cái bóng nến dài ở phía dưới (còn gọi là râu nến), nên được gọi là đàn ông, hihi.

Ý nghĩa đằng sau cây nến này cho thấy rằng phe Mua vẫn đang kiểm soát thị trường, tuy nhiên đã có một lượng lớn nhà đầu tư Bán ra lúc này, đẩy giá xuống nhưng lực chưa đủ mạnh để thay đổi xu hướng hiện tại. Tạo nên một bóng nến dài phía dưới.

Và thông thường, nhà đầu tư thường chờ một cây nến giảm theo sau nữa để xác nhận rằng phe Mua đã yếu thế và có thể đã bỏ cuộc, vào lệnh lúc này cũng an toàn và xác suất chiến thắng sẽ cao hơn.

Một số lưu ý khi sử dụng mô hình nến đảo chiều

Như các bạn cũng biết đó, thị trường thì luôn thay đổi, thiên biến vạn hóa.

Không có gì là “chén thánh” trong thị trường cả.

Các mô hình nến đảo chiều được đề cập trong bài cũng là những ví dụ hoàn hảo nhất, còn trên thị trường sẽ có rất nhiều biến thể, hình dạng nến khác nhau, không giống như ví dụ.

Do đó, khi sử dụng các mô hình nến đảo chiều trên, các bạn cũng cần tham khảo các yếu tố, điều kiện thị trường, hoặc các chỉ báo khác kết hợp để đạt được xác suất thành công cao nhất.

Khi giao dịch với mô hình nến Nhật, bạn chỉ vào lệnh khi nến đó kết thúc, tức là đã hình thành giá đóng cửa của cây nến.

Khi nến chưa hình thành xong, bạn không thể kết luận chắc chắn rằng đó sẽ là cây nến gì…

Thậm chí chỉ còn một 1 hoặc vài phút nữa đóng nến, nhưng thị trường mà, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, có thể thay đổi hoàn toàn những gì nó đã chạy trước đó. 

Bạn hãy thực sự kiên nhẫn khi giao dịch, nếu không bạn rất dễ mắc phải sai lầm và trả giá rất đắt.

Lời kết

Hi vọng khi các bạn đọc đến đây, thì các bạn đã hiểu được nến Nhật là gì? Cách đọc, phân tích biểu đồ nến và ý nghĩa của từng thanh nến cũng như các mô hình nến thường gặp, cần lưu ý.

Nếu các bạn có thắc mắc gì thì hãy để lại lời nhắn phía dưới hoặc liên hệ với mình, mình sẽ cố gắng giải đáp sớm nhất có thể.

Chúc mọi người giao dịch thành công.

Exit mobile version