Lý thuyết Dow được xem là cơ sở, là nền tảng của các phương pháp Phân tích kỹ thuật tài chính nói chung.
Thật là thiếu sót nếu bạn học và ứng dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật nhưng lại bỏ qua hoặc chưa tìm hiểu về lý thuyết Dow này.
Trong bài viết hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu Lý thuyết Dow là gì? Tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Và 6 nguyên lý cơ bản của Lý thuyết Dow.
Nội dung bài viết
- 1 Lý thuyết Dow là gì?
- 2 Lịch sử hình thành Lý thuyết Dow
- 3 6 nguyên lý cơ bản của Lý thuyết Dow
- 4 Các lưu ý khi sử dụng Lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow là gì?
Lý thuyết Dow được xem là cơ sở, là nền tảng của hầu hết phương pháp Phân tích kỹ thuật trên thị trường.
Lý thuyết Dow thể hiện biến động của thị trường chung hoặc của từng mã cổ phiếu hay cặp tiền tệ nào đó.
Lý thuyết Dow được gắn liền với chỉ số trung bình chứng khoán, mà ngày nay người ta biết đến cái tên: “Chỉ số Dow Jone”, tập hợp 30 cổ phiếu lớn & hàng đầu nước Mỹ. Chỉ số Dow Jone có thể hiểu tương tự như chỉ số VN30, còn S&P500 thì giống như chỉ số Vnindex.
Lịch sử hình thành Lý thuyết Dow
Cha đẻ của lý thuyết Dow là ông Charles H. Dow, ông viết đăng tải trên tờ Wall Street Journal.
Những bài viết này thể hiện niềm tin của Dow về cách phản ứng của thị trường chứng khoán cũng như cách thức đo lường sức khỏe thị trường tài chính để tìm kiếm lợi nhuận.
Sau khi qua đời năm 1902, cộng sự của ông là William P. Hamilton đã tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và cho ra đời lý thuyết Dow như ngày hôm nay.
Dow tin rằng thị trường chứng khoán nói chung là thước đo đáng tin cận cho điều kiện tổng thể của 1 nền kinh tế.
Dù các chỉ số này đã thay đổi trong suốt 100 năm qua, nhưng lý thuyết vẫn áp dụng và trở thành 1 trong những lý thuyết cơ bản nhất cho giao dịch ngoại hối forex cũng như cho thị trường tài chính hiện đại.
Toàn bộ lý thuyết phân tích kỹ thuật mà chúng ta biết tới như ngày hôm nay đều bắt nguồn từ lý thuyết Dow. Vì thế, nếu muốn hiểu rõ phân tích kỹ thuật trong forex bạn cần biết 6 nguyên lý cơ bản của thuyết Dow.
6 nguyên lý cơ bản của Lý thuyết Dow
Giá phản ánh tất cả
Lý thuyết Dow cho rằng tất cả mọi yếu tố trên thị trường có thể tác động đến cổ phiếu, đến tiền tệ hay bất cứ sản phẩm giao dịch nào. Từ các dữ liệu kinh tế, xã hội, các chỉ số liên quan đến Phân tích cơ bản,.. cho đến các yếu tố như cảm xúc, tâm lý giao dịch,… tất cả đều được phản ánh vào giá.
Theo Lý thuyết Dow, thông tin không giúp nhà giao dịch hoặc chính bản thân thị trường biết được tất cả mọi thứ, mà chỉ dùng để dự đoán các sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Ngay cả các yếu tố – đã xảy ra, sắp xảy ra và có thể xảy ra – sẽ được định giá vào thị trường.
Ý tưởng này cũng từng xuất hiện trong công trình của Eugene Fama ra đời năm 1960, có tên gọi lý thuyết thị trường hiệu quả. Điều này trái ngược với trường phái phân tích cơ bản, đầu tư giá trị, hay kinh tế học hành vi.
Lý thuyết Dow cũng khác biệt ở chỗ nó được sử dụng để dự đoán xu hướng trong tương lai.
Thị trường có ba xu thế chính
Theo Lý thuyết Dow, ba xu thế của thị trường gồm:
- xu thế chính (xu thế cấp 1)
- xu thế phụ – thứ cấp (xu thế cấp 2)
- xu thế nhỏ (xu thế cấp 3)
Xu thế là gì?
Xu thế là hướng biến động chung của một thị trường hoặc giá của một loại tài sản nào đó.
Mặc dù thị trường khi có xu thế luôn di chuyển theo hướng nhất định, nhưng nó không bao giờ đi theo một đường thẳng. Mà sẽ tăng tới một mức nào đó tạo thành đỉnh xu hướng, rồi sau đó sẽ giảm dần tạo thành đáy của một xu hướng.
Tất nhiên dù có tăng hay giảm chúng vẫn sẽ di chuyển theo một hướng nhất định.
Xu thế chính (xu thế cấp 1)
Xu thế cấp 1 có thể là xu thế tăng hoặc xu thế giảm.
Theo lý thuyết Dow, xu thế chính thường kéo dài hơn 1 năm, sẽ là xu thế quan trọng nhất thể hiện mức biến động lớn của thị trường chung, và cũng tác động mạnh đến các xu thế còn lại.
Xu thế chính này gây ra sự tăng hay giảm đến 20% giá của các cổ phiếu.
Xu thế tăng được tiếp diễn khi và chỉ khi giá phải luôn tạo ra các đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước, tiếp diễn nhau giống như các bậc thang.
Ngược lại, nếu xu thế cấp 1 là xu thế giảm đồng nghĩa sẽ tạo ra các đỉnh thấp hơn và các đáy thấp hơn nối tiếp nhau.
Xu thế phụ – xu thế thứ cấp (xu thế cấp 2)
Về bản chất xu thế cấp 2 chính là đà ngăn cản, làm gián đoạn sự phát triển của xu thế cấp 1.
Xu thế phụ thường kéo dài từ ba tuần đến ba tháng, luôn đi ngược xu hướng với xu thế chính.
Nếu xu thế chính đang là xu thế tăng thì xu thế phụ sẽ là các đoạn điều chỉnh giảm.
Ngược lại, nếu xu thế chính là xu thế giảm thì các giai đoạn điều chỉnh chính là giá phục hồi để sau đó giá tiếp tục giảm.
Thường các xu thế cấp 2 này sẽ điều chỉnh ngược lại 1/3 đến 2/3 mức tăng hoặc giảm của giá theo xu thế cấp 1.
Xu thế nhỏ (xu thế cấp 3)
Xu thế nhỏ, theo Lý thuyết Dow không kéo dài quá 3 tuần, thường chỉ dưới 6 ngày giao dịch.
Do tính chất ngắn hạn nên xu thế nhỏ thường mang tính nhiễu và bẫy giá nhiều hơn, các nhà đầu tư mới chưa có kinh nghiệm thì không nên giao dịch ở giai đoạn này.
Hầu hết traders nên chỉ tập trung giao dịch theo xu hướng cấp 1, các xu hướng còn lại thường không rõ ràng hay bị nhiễu.
Nếu quá tập trung vào các xu hướng nhỏ, nó có thể dẫn đến sai lầm, các nhà giao dịch bị phân tâm bởi biến động ngắn hạn và mất tầm nhìn tổng quát cho bức tranh thị trường lớn hơn.
Ba giai đoạn của xu thế chính
Với xu thế cấp 1 là xu thế tăng sẽ có 3 giai đoạn chính gồm:
- giai đoạn tích lũy (accumulation)
- giai đoạn tăng mạnh (public participation)
- giai đoạn quá độ (excess phase)
Ngược lại, xu thế giảm cũng có 3 giai đoạn:
- giai đoạn phân phối (distribution)
- giai đoạn giảm mạnh (public participation)
- giai đoạn tuyệt vọng (panic phase).
Giai đoạn tích lũy
Đây là giai đoạn các nhà đầu tư dài hạn, có tầm nhìn xa bắt đầu xem xét những doanh nghiệp đang trong giai đoạn suy thoái nhưng nhận thấy có khả năng phục hồi, và chuyển biến phát triển nhanh chóng sau này.
Đây là lúc giá của cổ phiếu cực kỳ hấp dẫn, vì vào thời điểm này, các tin tức xấu liên tục tung ra, áp lực bán mạnh khi các nhà đầu tư nắm giữ đang có tâm lý chán nản và tuyệt vọng.
Tuy nhiên, giai đoạn tích lũy cũng là giai đoạn khó phát hiện nhất, nhà giao dịch khó lòng nhận biết được xu thế giảm đã thực sự kết thúc hay vẫn còn tiếp tục.
Giai đoạn tăng mạnh
Các nhà đầu tư năm giữ trước đó bắt đầu tin rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã qua và sự phục hồi, tăng trưởng đang tới.
Tâm lý tiêu cực bắt đầu tan biến, điều kiện kinh doanh được đánh dấu bằng tăng trưởng thu nhập và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ được cải thiện. Lúc này, các tin tức lạc quan bắt đầu được tung ra, kéo nhiều nhà đầu tư quan tâm quay trở lại, đẩy giá càng ngày càng tăng cao hơn.
Giai đoạn này không chỉ kéo dài nhất, mà còn là giai đoạn có biến động giá lớn nhất. Đó cũng là giai đoạn mà hầu hết các nhà giao dịch kỹ thuật và xu hướng bắt đầu nắm giữ các vị thế dài hạn và thu lợi nhuận lớn nhất.
Giai đoạn quá độ
Đây là giai đoạn mà người mua cuối cùng bắt đầu tham gia vào thị trường, khi các tin tức tích cực được lan truyền rộng rãi ra các nhóm nhà đầu tư.
Nhưng với các nhà đầu tư có kinh nghiệm, thì sau gian đoạn tăng trưởng nóng trước đó, lúc này là giai đoạn mà họ bắt đầu tìm cách thu hẹp vị thế, đi tìm đáp án cho câu hỏi “nên bán cổ phiếu nào lúc này”.
Trong giai đoạn này, có rất nhiều dấu hiệu thể hiện sức mua giảm hay xu hướng đang dần trở nên yếu đi. Và cũng là dấu hiệu cho thấy xu thế trên đang nằm ở điểm bắt đầu cho một xu hướng giảm chính.
Giai đoạn phân phối
Giai đoạn này trái ngược với giai đoạn tích lũy trong thị trường tăng ở chỗ, rất nhiều nhà đầu tư lạc quan tin rằng giá sẽ tiếp tục đẩy lên cao hơn nữa và kéo theo nhiều người khác nắm giữ cổ phiểu.
Nếu bạn tinh ý quan sát thì sẽ thấy khối lượng giao dịch lúc này cũng tăng, nhưng giá thì không tăng theo mà xuất hiện các dấu hiệu của xu hướng giảm.
Giá không tạo được các đỉnh cao hơn và đáy cao hơn. Thay vào đó, dần dần tạo ra các đỉnh thấp hơn, đáy thấp hơn.
Giai đoạn này thực sự bắt đầu ở cuối của giai đoạn quá độ phía trên.
Giai đoạn giảm mạnh
Cũng tương tự như thị trường bò, thay vì liến tiếp tạo ra các đỉnh cao hơn hoặc đáy cao hơn để xác nhận 1 xu thế tăng, thì vào giai đoạn giảm mạnh sẽ tạo ra các đỉnh thấp hơn và đáy thấp hơn.
Lúc này, điều kiện kinh doanh vô cùng tồi tệ, đồng loạt các tin xấu nhất được tung ra, giống như cú đòn giáng trực tiếp vào nhà đầu tư. Khiến họ rơi vào trạng thái hoang mang cực độ làm cho áp lực bán tháo xuất hiện, khiến cho giá ngày càng giảm mạnh, thậm chí là thái quá vượt cả thực trạng của các doanh nghiệp.
Giai đoạn này thể hiện rõ tâm lý chán nản của một bộ phận các nhà đầu tư.
Giai đoạn tuyệt vọng
Đây là giai đoạn chứa đầy sự hoảng loạn và rất dễ dẫn đến việc bán tháo.
Trong giai đoạn này, thị trường chỉ toàn màu xám xịt, nhà giao dịch có tâm lý tiêu cực với những hy vọng mong manh về công ty, nền kinh tế và thị trường nói chung. Do đó, họ gần như không quan tâm đến giá cả, chỉ mong sao thoát được hàng càng sớm càng tốt.
Ở giai đoạn này bắt đầu sinh ra hai thái cực khác nhau của nhà đầu tư, người sẽ muốn thoát hàng sớm được chừng nào hay chừng đó. Hai là những người có niềm tin vào công ty, vào doanh nghiệp và muốn nắm giữ nó đến cùng.
Giai đoạn cuối cùng của xu thế giảm cũng là lúc khởi đầu giai đoạn tích lũy cho một xu thế tăng chuẩn bị được hình thành.
Và cứ như thế chu kỳ được lặp lại liên tục, qua năm này tới năm khác, qua thế kỷ này tới thế kỷ khác.
Các chỉ số thị trường phải xác nhận lẫn nhau
Theo lý thuyết Dow, việc thị trường trong xu thế tăng hay giảm phải có sự xác nhận lẫn nhau từ 2 chỉ số là Chỉ số trung bình công nghiệp DowJones và chỉ số ngành vận tải (Transportation Averages) để đo lường tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế.
Điều này có nghĩa là các tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của chỉ số này phải khớp hoặc tương ứng với các tín hiệu xảy ra trên biểu đồ của chỉ số khác.
Ví dụ ở trên, chỉ số DowJones thiết lập đỉnh cao mới đầu năm 2000, nhưng chỉ số vận tải DowJones Transportation Average vẫn duy trì ở mức thấp, cho thấy xu hướng thị trường sau đó không còn tăng trưởng mạnh mẽ như trước, khi hai chỉ số trung bình này ngược chiều nhau.
Kết quả là, sau đó thị trường chuyển sang giai đoạn đi ngang rồi đảo chiều giảm mạnh ở nửa cuối năm 2001.
Không cần thiết cả hai chỉ số bình quân phải cùng xác nhận vào một thời điểm. Thường thì cả hai chỉ số này sẽ cùng chuyển động đến cùng một khoảng đỉnh hoặc đáy mới, nhưng có nhiều trường hợp mà một trong hai chỉ số sẽ trễ hơn chỉ số kia vài ngày, vài tuần, thậm chí là một đến hai tháng.
Trong những tình huống như vậy thì nhà đầu tư phải giữ kiên nhẫn và đợi cho đến khi thị trường thật sự thể hiện ra bản chất xu hướng của nó.
Khối lượng giao dịch (volume) là điều kiện xác nhận xu hướng
Theo Lý thuyết của Dow, khối lượng giao dịch được sử dụng như một chỉ báo để giúp xác nhận những gì thị trường đang gợi ý cho nhà giao dịch.
Từ nguyên lý này cho thấy, trong một xu hướng tăng, khối lượng sẽ tăng theo khi giá di chuyển theo đúng xu hướng và khối lượng sẽ giảm khi giá di chuyển theo hướng ngược lại ở thứ cấp.
Ví dụ, trong một xu hướng tăng, khối lượng sẽ tăng khi giá tăng và giảm khi giá giảm.
Trong trường hợp khối lượng ngược với xu hướng của giá, giá tăng nhưng khối lượng giảm hoặc cạn kiệt, giá giảm nhưng khối lượng giao dịch lại tăng, đó là dấu hiệu của sự yếu kém trong xu hướng hiện tại và có thể sẽ kết thúc xu hướng hoặc có sự đảo chiều xu hướng trong thời gian tới.
Đây là một lợi thế rất lớn mà những người tham gia ở thị trường chứng khoán có được mà các thị trường phi tập trung khác như Forex không thể quan sát được.
Vì ở các thị trường phi tập trung OTC, volume bị phân mảnh tùy thuộc vào từng nhà môi giới, không có con số thống nhất. Còn ở thị trường chứng khoán là thị trường tập trung, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị giám sát.
Nguyên lý này thường không có giá trị nếu chỉ dựa trên diễn biến trong vài ngày và càng không có giá trị với những kết luận dựa trên một phiên giao dịch đơn lẻ.
Nguyên lý này chỉ phát huy hiệu quả nếu dựa trên diễn biến của khối lượng giao dịch chung trong thời gian giao dịch tương đối dài.
Hơn nữa, theo Lý thuyết Dow thì chỉ dựa trên những phân tích về giá mới có thể đưa ra được những dấu hiệu mang tính quyết định về xu thế thị trường. Còn khối lượng giao dịch chỉ có thể cung cấp thêm những chứng cứ phụ để giải thích rõ hơn biến động của thị trường và sử dụng vào những tình huống khi dấu hiệu chính tỏ ra còn nhiều nghi ngờ.
Xu hướng được duy trì cho đến khi dấu hiệu đảo chiều thực sự xuất hiện
Nhà giao dịch cần kiên nhẫn chờ đợi 1 bức tranh rõ ràng về việc đảo ngược xu hướng. Bởi vì như ở nguyên lý thứ 2, chúng ta biết rằng thị trường sẽ có nhiều xu hướng nhỏ, xu hướng thứ cấp nên rất dễ gây nhầm lẫn đó thực sự là xu hướng chính đã đảo chiều hay chỉ là sự điều chỉnh để tiếp diễn xu hướng cũ.
Đây là một nguyên lý gây nhiều tranh cãi trong Lý thuyết Dow. Tuy nhiên, nếu hiểu chính xác thì nó sẽ có giá trị rất lớn trong phân tích thị trường.
Với kinh nghiệm của bản thân khi áp dụng Lý thuyết Dow vào giao dịch, đặc biệt là kết hợp với phương pháp Price Action, thì khi giao dịch, các bạn cứ ưu tiên giao dịch theo đúng xu hướng chính cho đến khi nó kết thúc rõ ràng.
Nếu thị trường đang trong xu thế tăng thì chỉ nên ưu tiên thực hiện lệnh BUY.
Ngược lại nếu thị trường đang trong xu thế giảm, hãy chủ yếu thực hiện lệnh SELL.
Hạn chế thấp nhất việc giao dịch chống lại xu hướng của thị trường nếu bạn chưa có đủ trải nghiệm giao dịch.
Các lưu ý khi sử dụng Lý thuyết Dow
Cũng như các phương pháp khác trên thị trường, sẽ không có một lý thuyết nào hay phương pháp nào sẽ hoàn hảo 100%.
Lý thuyết Dow vẫn có 1 số hạn chế nhất định như:
- Độ trễ lớn: vì những người theo trường phái Lý thuyêt Dow luôn ưu tiên giao dịch theo xu hướng chính. Xu hướng chỉ bị đảo chiều khi có dấu hiệu hình thành rõ ràng sau đó.
- Phân loại xu thế không rõ ràng: Ví dụ xu thế cấp 2 ngược với xu thế chính, nhưng nó cũng có thể là xu thế cấp 1 nếu giá bắt đầu đảo chiều xu hướng ngay sau đó.
Nguồn: tổng hợp