Nội dung bài viết
Lạm phát là gì?
Lạm phát là tình trạng tăng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian. Lạm phát như một tên trộm lén lút đánh cắp giá trị đồng tiền của bạn. Bạn làm việc chăm chỉ để tiết kiệm tiền của mình, nhưng cùng một số tiền, khi lạm phát tăng bạn sẽ mua được ít hàng hóa hơn so với trước đây.
Lạm phát có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như khi có quá nhiều nhu cầu về một sản phẩm hoặc khi chi phí sản xuất hàng hóa đó tăng lên, hoặc cũng có thể là tăng cung tiền tệ trong nền kinh tế.
Lạm phát quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đó là lý do bạn phải hiểu lạm phát là gì và nó có thể tác động như thế nào. Từ đó, bạn có thể đưa ra các quyết định tài chính tốt hơn và bảo vệ bản thân khỏi những tác động của nó cũng như hoạch định tài chính cho tương lai của mình.
Đọc thêm: Tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân
Các nguyên nhân gây ra lạm phát
Tăng cung tiền
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lạm phát là sự tăng cung tiền tệ trong nền kinh tế, hay còn gọi là Lạm phát tiền tệ (Monetary Inflation). Khi vòng quay của tiền tăng lên, tức nhiều hoạt động vay và cho vay diễn ra trong nền kinh tế, người dân có nhiều tiền hơn để chi tiêu, dẫn đến nhu cầu tăng về hàng hoá và dịch vụ, từ đó giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng lên.
Tăng chi phí sản xuất
Một nguyên nhân khác gây ra lạm phát là sự tăng chi phí sản xuất. Chi phí sản xuất có thể tăng do nhiều lý do như tăng giá nguyên liệu, tăng lương hoặc tăng chi phí đầu tư máy móc. Khi chi phí sản xuất tăng, các doanh nghiệp thường sẽ tăng giá để duy trì lợi nhuận của mình. Điều này có thể dẫn đến sự tăng giá chung, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến kinh tế.
Tăng nhu cầu
Nếu nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh hơn nguồn cung, giá cả sẽ tăng. Còn được gọi là lạm phát do cầu kéo (demand-pull) – một tình trạng có thể xảy ra khi nền kinh tế đang phát triển nhanh và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
Sụt giảm nguồn cung
Nếu nguồn cung hàng hóa và dịch vụ giảm nhanh hơn so với nhu cầu, giá cả sẽ tăng. Còn được gọi là lạm phát do chi phí đẩy (cost-push). Điều này có thể xảy ra khi thiếu hụt tài nguyên quan trọng, chẳng hạn như dầu hoặc thực phẩm.
Các kỳ vọng về lạm phát
Ngoài cung và cầu, còn có vài yếu tố khác có thể góp phần vào lạm phát, một trong số đó là kỳ vọng của người dân. Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp kỳ vọng giá cả sẽ tăng trong tương lai, họ có thể dễ dàng tăng chi tiêu của mình ngay bây giờ để tránh phải trả giá cao hơn sau này. Sự gia tăng nhu cầu ngắn hạn này có thể dẫn đến giá cả tăng cao hơn, khi các doanh nghiệp cố gắng đáp ứng nhu cầu tăng cao hơn của người tiêu dùng.
Phân loại lạm phát
Thông thường, lạm phát sẽ được phân làm ba loại chính, bao gồm:
Lạm phát do cầu kéo (Demand-Pull Inflation)
Lạm phát do cầu kéo xảy ra khi nhiều người muốn mua một hàng hóa hoặc sản phẩm nào đó nhưng không sẵn có với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu và điều đó đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Ví dụ, một món đồ chơi mới ra thu hút được nhiều người quan tâm và muốn, nhưng số lượng sản phẩm ra là hạn chế, không có đủ đồ chơi để bán, giá sẽ tăng lên.
Lạm phát do chi phí đẩy (Cost-Push Inflation)
Lạm phát do chi phí đẩy xảy ra khi chi phí sản xuất hàng hóa tăng lên và điều đó được cấu thành vào giá, chuyển cho người tiêu dùng. Ví dụ, nếu chi phí lao động, nguyên liệu sản xuất tăng lên, việc sản xuất một chiếc oto trở nên đắt đỏ hơn, thì giá thành bán ra của chiếc oto đó cũng sẽ tăng theo.
Built-In Inflation (Lạm phát tích hợp)
Lạm phát tích hợp, còn được gọi là lạm phát kỳ vọng, là hiện tượng xảy ra khi mọi người dự đoán rằng giá cả sẽ tăng trong tương lai.
Khi mọi người tin rằng lạm phát tăng, họ có thể yêu cầu mức lương cao hơn để đáp ứng chi phí sinh hoạt tăng lên. Điều này có thể dẫn đến một tiên đoán tự thực hiện, khi lạm phát trở nên thành hiện thực trong nền kinh tế. Từ đó có thể gây ra nhiều tác động khác nhau, như: làm cho các kế hoạch tương lai của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, vì họ không chắc chắn về giá cả mà họ sẽ phải trả cho chi phí sản xuất như vật liệu và nhân công.
Ngoài ra, còn một khái niệm ít gặp là Siêu lạm phát (hyperinflation), là một loại lạm phát đặc biệt và có tác động phá hoại nền kinh tế nghiêm trọng. Thường xảy ra khi giá trị đồng tiền của một quốc gia bị sụp đổ, giá cả tăng một cách nhanh chóng ở mức 3 chữ số hàng năm, lượng cầu về tiền tệ giảm đi đáng kể.
Ảnh hưởng của lạm phát
Ảnh hưởng của lạm phát có thể tích cực hoặc tiêu cực đối với nền kinh tế cũng như cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trong thời gian ngắn, lạm phát có thể kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên, trong dài hạn, lạm phát có thể dẫn đến giảm sức mua, cũng như giảm giá trị tiết kiệm và đầu tư.
Tác động tích cực
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Một mức độ lạm phát vừa phải có thể kích thích sự tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng chi tiêu tiêu dùng. Khi giá cả tăng lên, người dân có thể có xu hướng mua sắm trong khi giá vẫn còn tương đối thấp. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, từ đó kích thích các doanh nghiệp sản xuất phát triển và tạo nhiều việc làm.
- Khuyến khích đầu tư: Khi giá cả tăng lên, các khoản đầu tư như cổ phiếu và bất động sản có thể trở nên hấp dẫn hơn vì chúng sẽ có xu hướng tăng giá trị theo thời gian.
- Tăng lương và tiền công: Khi giá cả tăng lên, điều này có thể gây áp lực buộc người sử dụng lao động phải tăng lương và tiền công để bù đắp chi phí sinh hoạt cho người lao động.
- Lạm phát có thể làm giảm giá trị thực của nợ theo thời gian. Điều này có nghĩa là người vay có thể trả nợ với số tiền ít giá trị hơn so với lúc vay, giảm số tiền nợ ban đầu. Điều này có lợi cho cá nhân và doanh nghiệp, làm cho việc trả nợ của họ dễ dàng hơn.
Đọc thêm: Các kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2023
Tác động tiêu cực
- Sụt giảm sức mua: Khi giá cả tăng lên, cùng một lượng tiền sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn, và có thể dẫn đến sự suy giảm chất lượng sống cho cá nhân và có thể làm cho doanh nghiệp khó có thể lập kế hoạch và đầu tư cho tương lai.
- Gia tăng sự bất định: Lạm phát gây ra sự không chắc chắn về giá trị tương lai của đồng tiền, khiến người tiêu dùng, gia đình, doanh nghiệp khó lập kế hoạch tài chính cho tương lai. Điều này có thể dẫn đến sự lo ngại đầu tư, chi tiêu và làm giảm các hoạt động kinh tế.
- Sụt giảm tiết kiệm: Khi lạm phát tăng cao, việc tiết kiệm dài hạn trở nên kém hấp dẫn hơn do lo sợ sự mất giá của đồng tiền theo thời gian.
- Phân phối lại thu nhập: Lạm phát tăng quá nhanh có thể phân phối lại thu nhập và của cải từ những người tiết kiệm, những người về hưu và những người có thu nhập cố định sang những người đi vay, và những người có thu nhập thay đổi, những người được hưởng lợi từ giá trị thực thấp hơn của các khoản nợ của họ trong ngắn hạn.
- Khả năng cạnh tranh quốc tế giảm: Lạm phát cao có thể làm cho hàng hóa của một quốc gia kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, dẫn đến mất cân bằng thương mại và giảm tăng trưởng kinh tế.
Nhìn chung, lạm phát có thể có tác động 2 chiều cả tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế cũng như các hộ gia đình cá nhân. Đó cũng là lý do tại sao các ngân hàng trung ương thường đặt mục tiêu giữ lạm phát ở mức thấp và ổn định.
Các chỉ số đo lường lạm phát
Để theo dõi lạm phát, có nhiều cách khác nhau để đo lường nó, và có nhiều yếu tố tác động đến nó. Nhưng hai trong số những cách phổ biến nhất là theo dõi tác động của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và Chỉ số giá sản xuất (PPI).
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng (Consumer Price Index – CPI)
Phương pháp phổ biến nhất để đo lường lạm phát là thông qua Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI đo lường giá của hàng hóa và dịch vụ mà mọi người mua và sử dụng hàng ngày, chẳng hạn như thực phẩm, nhà ở, giao thông vận tải và chăm sóc y tế. Chỉ số CPI được tính toán hàng tháng hoặc hàng năm, và cho biết mức giá đã tăng hoặc giảm bao nhiêu theo thời gian. Thông thường, các cơ quan chính phủ sẽ quan sát chỉ số CPI để điều chỉnh tiền lương, tiền công và phúc lợi theo lạm phát.
Chỉ Số Giá Sản Xuất (Producer Price Index – PPI)
Chỉ Số Giá Sản Xuất (PPI) đo lường giá của hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp sản xuất, chẳng hạn như nguyên vật liệu, nhiên liệu và thiết bị. PPI cũng được tính toán theo hàng tháng hoặc hàng năm, và cho biết chi phí để sản xuất hàng hóa và dịch vụ thay đổi là bao nhiêu.
PPI có thể giúp các doanh nghiệp quan sát được chi phí sản xuất biến đổi của họ và điều chỉnh giá bán cho phù hợp. Do đó, PPI thường được sử dụng như một chỉ báo sớm của áp lực lạm phát trong kinh tế vì các nhà sản xuất có xu hướng chuyển chi phí biến đổi cao hơn đó cho người tiêu dùng, điều này có thể ảnh hưởng đến CPI.
Chỉ số điều chỉnh GDP (GDP Deflator)
Chỉ số điều chỉnh GDP hay chỉ số giảm phát GDP trong tiếng Anh được gọi là GDP deflator. Chỉ số điều chỉnh GDP phản ánh sự thay đổi giá cả của tất cả các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một nền kinh tế. Nó được tính bằng cách lấy GDP danh nghĩa chia cho GDP thực và nhân với 100. Chỉ số điều chỉnh GDP này ít được sử dụng hơn so với CPI và PPI vì nó không bao quát bằng CPI và không kịp thời như PPI.
Làm gì để chống lạm phát?
Để đối phó với lạm phát, Chính phủ và Ngân hàng trung ương sử dụng các chiến lược khác nhau. Dưới đây là một số cách phổ biến nhất thường được sử dụng:
Chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ đề cập đến các hành động được ngân hàng trung ương thực hiện để quản lý nguồn cung tiền và lãi suất trong nền kinh tế. Một trong những công cụ phổ biến nhất mà các ngân hàng trung ương dùng để đối phó với lạm phát là tăng lãi suất. Khi lãi suất cao hơn, việc vay vốn trở nên đắt hơn, điều này có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp và làm chậm quá trình lạm phát.
Chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa đề cập đến việc sử dụng thuế và chi tiêu của chính phủ để tác động đến nền kinh tế. Chính phủ có thể đối phó với lạm phát bằng cách giảm chi tiêu công và tăng thuế để giảm nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ. Điều này có thể giúp giảm tốc độ lạm phát bằng cách giảm lượng tiền trong lưu thông.
Chính sách trọng cung (supply-side policies)
Chính sách trọng cung đề cập đến những hành động nhằm tăng nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Ví dụ, chính phủ có thể đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất. Điều này có thể giúp giảm lạm phát bằng cách tăng nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ và làm cho chúng trở nên phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng.
Chính sách kiểm soát giá và tiền lương
Kiểm soát giá và tiền lương là các chính sách chính phủ thiết lập nhằm điều tiết giới hạn trên số tiền doanh nghiệp có thể tính cho hàng hóa, dịch vụ và tiền lương họ trả cho nhân viên của mình. Điều này có thể giúp kiểm soát lạm phát bằng cách giới hạn lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể có những hậu quả không mong muốn, chẳng hạn như gây ra thiếu nguồn cung và có thể làm giảm động lực cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất
Lạm phát và lãi suất là hai yếu tố kinh tế liên quan mật thiết đến nhau. Lạm phát ám chỉ tốc độ tăng trưởng chung của giá cả hàng hóa và dịch vụ. Trái lại, lãi suất là chi phí cho việc vay tiền và phần thưởng cho việc tiết kiệm tiền. Hai yếu tố này liên kết với nhau bởi vì các Ngân hàng trung ương thường sử dụng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Khi lạm phát tăng cao, Ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất để kiềm chế việc vay và chi tiêu. Điều này có nghĩa là vay tiền sẽ đắt hơn, và người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc vay tiền mua hàng hóa. Bằng cách giảm chi tiêu, lạm phát cũng sẽ giảm đi. Ngược lại, khi lạm phát thấp, Ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất để kích thích vay và tiêu dùng. Điều này sẽ giúp tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.
Lưu ý rằng mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất không phải lúc nào cũng rõ ràng. Những yếu tố khác, như các sự kiện chính trị, có thể ảnh hưởng đến cả lạm phát và lãi suất. Ngoài ra, mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất có thể khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia.
Một số nhà đầu tư có thể tận dụng mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất bằng cách đầu tư vào trái phiếu. Khi lãi suất tăng, giá trị của các trái phiếu hiện tại sẽ giảm do các trái phiếu mới cung cấp lợi suất cao hơn. Ngược lại, khi lãi suất giảm, giá trị của các trái phiếu hiện tại sẽ tăng do các trái phiếu mới cung cấp lợi suất thấp hơn.
Đọc thêm: Trái phiếu là gì? Đặc điểm, phân loại và lưu ý khi đầu tư trái phiếu
Nên đầu tư gì khi lạm phát tăng cao?
Lạm phát có thể là một vấn đề lớn đối với những nhà đầu tư như chúng ta, vì nó có thể làm giảm giá trị các khoản đầu tư của mình theo thời gian. Tuy nhiên, đừng lo lắng, chúng ta có một số chiến lược có thể sử dụng để bảo vệ danh mục đầu tư của mình khỏi tác động của lạm phát, bao gồm:
Đầu tư vào các tài sản có giá trị cao, tăng theo thời gian
Một cách phổ biến để bảo vệ bạn khỏi lạm phát là đầu tư vào các tài sản có xu hướng tăng giá trị theo thời gian, chẳng hạn như bất động sản, kim loại quý (vàng, bạc), hàng hóa (như dầu mỏ,…), hoặc cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng giá sản phẩm hoặc dịch vụ trong thời gian lạm phát (có thể là các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, năng lượng, tiện ích, các công ty tiêu dùng cơ bản như nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống).
Tiết kiệm trong các tài khoản được bảo vệ khỏi lạm phát
Nếu bạn là một người có khẩu vị rủi ro thấp, bạn có thể tiết kiệm tiền của mình trong các sản phẩm an toàn hơn được thiết kế để bù đắp cho lạm phát, chẳng hạn như trái phiếu hoặc CDs – Các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, nơi có tỉ lệ sinh lời cao hơn so với mức lạm phát.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn
Bạn nên đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình trên các loại tài sản khác nhau, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, kim loại quý và bất động sản. Điều này có thể giúp bạn phân tán rủi ro và có khả năng hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xem xét giảm nợ và sống trong khả năng, điều kiện của bản thân, để có thể giúp bạn vượt qua những khó khăn thay đổi kinh tế khi bị tác động bởi lạm phát và ổn định tài chính, đạt được các mục tiêu của bạn trong dài hạn.
Đọc thêm: Đa dạng hóa danh mục đầu tư là gì?
Stagflation – lạm phát đình trệ là gì?
Stagflation là thuật ngữ được hình thành dựa trên sự kết hợp giữa “stagnation” (sự trì trệ) và “inflation” (lạm phát). Stagflation, lạm phát kèm suy thoái, hay còn gọi là lạm phát đình trệ (đình lạm) là một trạng thái kinh tế hiếm gặp kết hợp giữa lạm phát cao, thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế thấp. Điều này đặt ra thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách vì các công cụ truyền thống được sử dụng để đối phó với lạm phát, chẳng hạn như tăng lãi suất hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ, có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng thất nghiệp.
Stagflation thường xảy ra khi có sự kết hợp giữa các cú sốc từ phía cung ứng, như tăng giá dầu đột ngột, và các vấn đề từ phía cầu, chẳng hạn như chi tiêu yếu của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Sự kết hợp này có thể dẫn đến tình trạng giá cả hàng hóa tăng nhanh, nhưng nền kinh tế vẫn đình trệ.
Stagflation là một sự kiện hiếm gặp, nhưng khi xảy ra, nó có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và đời sống của chúng ta. Các nhà hoạch định chính sách thường phải cẩn trọng xem xét tình hình, nguyên nhân và đưa ra các biện pháp tốt nhất để giải quyết stagflation. Họ cũng phải tính đến cả tác động ngắn hạn và dài hạn, chẳng hạn như tác động đến việc làm, giá cả và tăng trưởng kinh tế.
Kết luận
Lạm phát là một thuật ngữ dùng để mô tả sự gia tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ theo thời gian. Nó có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế cũng như cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Khi bạn hiểu được nguyên nhân, tác động của chúng và cách bảo vệ bạn khỏi lạm phát là điều cần thiết để đưa ra các quyết định tài chính sáng suốt, cũng như lập kế hoạch tài chính cho tương lai của bạn.