Đa dạng hoá danh mục đầu tư là gì?

Rate this post

Đa dạng hóa danh mục đầu tư không còn là khái niệm xa lạ trong đầu tư tài chính. Tuy nhiên với một nhà đầu tư không chuyên hay nhà đầu tư mới thì đây là một câu hỏi đáng để suy ngẫm. Tại sao không nên tập trung vào 1 kênh đầu tư để mang lại hiệu quả tối ưu mà lại cần phải đa dạng hóa nhiều kênh đầu tư khác nhau?

Trong bài viết này, anhthucfx sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên và trang bị thêm kiến thức cho mình trong quá trình đầu tư. Chúng ta cùng bắt đầu nhé!

Đa dạng hoá danh mục đầu tư là gì?

đa dạng hóa danh mục đầu tư

Đa dạng hóa danh mục đầu tư là ý tưởng nhà đầu tư phân bổ vốn vào nhiều tài sản đầu tư có độ rủi ro khác nhau dựa trên những tỷ lệ đầu tư không giống nhau trên thị trường, xây dựng một cơ cấu tài sản hợp lý để có thể phân tán rủi ro hay hạn chế tối đa rủi ro trong đầu tư.

Đa dạng hoá danh mục đầu tư tuy không hoàn toàn có thể xoá bỏ được hết rủi ro, nhưng có thể giảm bớt mức rủi ro đó theo nguyên tắc đầu tư “Đừng bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”.

Khi giỏ bị rơi, toàn bộ số trứng sẽ bị vỡ. Nếu bỏ mỗi quả trứng vào mỗi giỏ khác nhau là đa dạng hóa. Rủi ro cao là mất một quả, nhưng giảm thiểu rủi ro mất toàn bộ. Nhưng ở mặt khác thì tăng số giỏ có thể tăng chi phí.

Thông thường, những khoản đầu tư có tỷ suất sinh lời cao thì có rủi ro cao và ngược lại, những khoản đầu tư có tỷ suất sinh lời thấp thì rủi ro thấp. Nhà đầu tư có thể giảm được rủi ro bằng cách đầu tư vào nhiều kênh đầu tư khác nhau hay vào nhiều loại tài sản khác nhau.

Đọc thêm: 9 kênh đầu tư tài chính thông minh, hiệu quả nhất năm 2023

Tại sao phải đa dạng hóa danh mục đầu tư?

Có nhiều lý do để giải thích cho câu hỏi tại sao cần phải đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Một cách đơn giản, việc mở rộng phạm vi đầu tư vào nhiều công ty, lĩnh vực không có nhiều liên kết với nhau, nhà đầu tư có thể kiềm chế được biến động giá cả với danh mục của mình.

Khi một lĩnh vực đầu tư bị sụt giảm và lĩnh vực khác tăng trưởng thì việc lựa chọn đa dạng hoá trong đầu tư giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro trong đầu tư tài chính.

Trong thực tế, rất hiếm khi xảy ra trường hợp tất cả các ngành đi lên hay đi xuống với cùng một tốc độ và trong cùng một thời kỳ. Do đó, đa dạng hóa sẽ đảm bảo sự hoạt động ổn định hơn, ít rủi ro hơn cho NĐT.

Danh mục đầu tư tốt nhất là danh mục tối ưu về mặt số lượng và chủng loại chứng khoán, tức là danh mục có kỳ vọng lợi nhuận cao nhất.

Nhà đầu tư cần nghiên cứu các loại chứng khoán khác nhau, so sánh kỳ vọng lợi nhuận và chọn loại chứng khoán có kỳ vọng lợi nhuận cao nhất.

Suy cho cùng, mục đích của các nhà đầu tư là tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa, giảm thiểu thấp nhất mức rủi ro có thể. Do đó, việc tìm kiếm các biện pháp để thực hiện mục đích này trở thành một nhu cầu thiết thực.

Đọc thêm: Rủi ro là gì? – Phân loại và Quản trị rủi ro trong đầu tư

Làm thế nào để tối ưu hoá danh mục đầu tư?

Đa dạng hóa danh mục đầu tư có nhiều cách và việc bạn cần làm trước khi quyết định phân bổ các khoản tiền đầu tư là tìm hiểu loại hình nào, cách nào phù hợp với khả năng tài chính, với mục tiêu lợi nhuận và khả năng chịu đựng rủi ro của mình làm sao để danh mục được tối ưu hóa nhất.

Tối ưu hóa danh mục đầu tư là việc nhà đầu tư cố gắng tối thiểu hóa rủi ro, đồng thời có thể đạt được suất sinh lời cao nhất có thể. Tuy nhiên, tùy vào mỗi nhà đầu tư mà khẩu vị rủi ro cũng như suất sinh lời kì vọng sẽ khác nhau, do đó danh mục tối ưu của mỗi người cũng sẽ khác nhau.

Khi đã xác định được danh mục tối ưu, nhà đầu tư cũng cần phải theo dõi và thực hiện tái cơ cấu danh mục thường xuyên bởi lẽ khi thị trường cổ phiếu tăng trưởng, nhà đầu tư có thể sẽ có tỷ trọng cổ phiếu cao hơn mong muốn. Hoặc khi thị trường cổ phiếu đi xuống, chúng ta có thể giảm tỷ trọng đầu tư ở lĩnh vực này để chuyển sang lĩnh vực khác, hoặc nắm giữ tiền mặt nhiều hơn. Việc này giúp nhà đầu tư đưa mức rủi ro mình sẵn sàng chấp nhận về mức cân bằng.

Việc tái cơ cấu danh mục này có thể làm theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc ít nhất 1 năm một lần.

Vậy làm thế nào để tối ưu hóa danh mục đầu tư? 

Thông thường, nhà đầu tư sẽ hướng đến 2 mục tiêu chính khi tối ưu, đó là:

Tối đa hóa lợi nhuận

Để tối đa lợi nhuận, trong các giai đoạn của thị trường, nhà đầu tư phải tìm đến đúng ngành nghề dẫn dắt thị trường, hơn nữa phải tìm đến đúng “cổ phiếu leader” của ngành đó.
Nhóm ngành dẫn dắt thường có các đặc tính hưởng lợi từ các chính sách Vĩ mô nhà nước hoặc các xu hướng giá cả hàng hóa trên thế giới.
Các cổ phiếu leader thường có thị phần lớn trong ngành, có sự tăng trưởng lợi nhuận và có tiềm năng trong tương lai.

Tối thiểu hóa rủi ro

Dưới đây là một số phương pháp, một số cách đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro đầu tư:
Đa dạng hoá một loại tài sản
Đúng là việc tìm được cổ phiếu, ngành nghề dẫn dắt sẽ đem lại suất sinh lời cực cao, nhưng đó là khi bạn đúng. Sẽ có những lúc thị trường không đi như dự kiến của bạn, dẫn đến việc giá cổ phiếu không đi theo mong muốn, thì việc đầu tư tất cả vốn vào một loại cổ phiếu mà tình hình kinh doanh của công ty đó không tốt, thậm chí đi đến phá sản thì NĐT không những không thu được lợi nhuận, mà còn bị mất cả vốn.

Vậy nên, việc đa dạng hóa các ngành nghề và có thể bù trừ nhau giữa những cổ phiếu trong danh mục đầu tư cũng là một cách có thể quản trị rủi ro. Nếu một hoặc một vài ngành trong số đó gặp rủi ro thì vẫn có thể được bù đắp thiệt hại bằng ngành nghề khác.

Hoặc có những cổ phiếu của doanh nghiệp tốt tưởng chừng sẽ tăng giá nhưng cũng có thể không. Cổ phiếu các doanh nghiệp khác cũng vậy, kể cả những doanh nghiệp đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề cũng có thể tăng giá rất mạnh do tác động cung cầu thị trường. “Không bỏ trứng vào một giỏ”  là lựa chọn hợp lý cho các nhà đầu tư.

Hoặc thậm chí trong một cổ phiếu, cũng có thể đa dạng hóa theo kỳ hạn đầu tư khác nhau như ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Tuy nhiên cách này thì tương đối rủi ro hơn, và yêu cầu bạn phải tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, về ngành kinh doanh,…

Theo anhthucfx, danh mục cổ phiếu mỗi cá nhân chỉ nên duy trì ở mức 5-7 cổ phiếu là hợp lý. Với quá nhiều cổ phiếu trong danh mục, thì việc đa dạng hóa không còn nhiều ý nghĩa, ngược lại khi gặp diễn biến xấu từ thị trường chung, bạn sẽ khó lòng mà xử lý được hết nếu danh mục quá nhiều cổ phiếu.

Đa dạng hóa tổ chức phát hành

Nếu danh mục đầu tư chỉ bao gồm toàn bộ trái phiếu chính phủ thì NĐT không cần phải đa dạng hoá chủng loại các chủ thể phát hành, bởi vì trái phiếu chính phủ gần như không có rủi ro.

Tuy nhiên, nếu NĐT mua trái phiếu công ty, trái phiếu địa phương hoặc cổ phiếu thì việc đa dạng hoá chủ thể phát hành là vấn đề cần được cân nhắc, bởi vì các loại chứng khoán này luôn tiềm tàng một số rủi ro nhất định.

Đa dạng hóa với nhiều loại tài sản

Bởi vì một tài sản không thể lúc nào cũng tăng mãi được. Ví dụ như thị trường cổ phiếu ở trong xu hướng tăng thì Nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hơn để tham gia, dễ dàng hơn để lựa chọn cổ phiếu đi theo xu hướng hơn. Ngược lại khi thị trường vào xu hướng giảm, sẽ vất vả hơn để tìm một cổ phiếu tăng ngược dòng thị trường.

Thị trường thường bắt đầu có rủi ro khi các thông tin vĩ mô tiêu cực bắt đầu xuất hiện, kì vọng trong tương lai không còn nhiều hay có thể thậm chí còn tiêu cực hơn hiện tại. Thanh khoản thị trường sụt giảm dần, các cổ phiếu dẫn dắt không còn tăng trưởng, nhà đầu tư lúc này sa đà vào các cổ phiếu đầu cơ penny, dòng tiền lớn đầu tư tạm rời khỏi thị trường.

Do đó, bạn cũng nên phân bổ vốn đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau với các tỉ lệ khác nhau phù hợp theo từng chu kỳ như bao gồm quỹ mở, cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt, hàng hóa, bất động sản,…

Ngoài ra, bạn cũng có thể quản trị rủi ro bằng cách đi lệnh hoặc chốt lệnh từng phần:

Với các này, bạn chia lệnh của mình ra thành từng phần. Thay vì mua hết cổ phiếu trong một lệnh duy nhất, nhà đầu tư có thể mua thăm dò trước một phần khi cổ phiếu bắt đầu vận động tích cực và mua nhồi thêm khi cổ phiếu bắt đầu tăng trưởng theo đúng nhận định của mình.

Tương tự, chốt lời chủ động từng phần cũng là một cách quản trị rủi ro: Hãy đặt cho bản thân một mức sinh lời mục tiêu trên mỗi cổ phiếu, sau đó chốt lời từng phần khi giá đạt/gần đạt mục tiêu và để phần còn lại cho lãi chạy. Chốt lời không bao giờ sai, chia danh mục ra nhiều lệnh cũng dễ giúp bạn xử lý trong một số tình huống khi thị trường thay đổi đột ngột hoặc có những sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Các lưu ý khi đa dạng hóa danh mục đầu tư

Nếu bạn không có đủ mạnh về tài chính để đầu tư vào nhiều cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác cùng một lúc. Hơn nữa, bạn cũng không có nhiều thời gian và kiến thức tài chính chuyên sâu để phân tích và theo dõi thị trường thường xuyên.

Trong trường hợp này, đầu tư với các quỹ mở có thể là lựa chọn tối ưu nhất. Đây là hình thức đầu tư chứng khoán gián tiếp. Thay vì bạn tự đầu tư chứng khoán trực tiếp thì bạn bỏ tiền vào quỹ mở. Quỹ mở có các chuyên gia đầu tư kinh nghiệm sẽ thay bạn đầu tư tiền của quỹ vào cổ phiếu, trái phiếu.

Nếu đầu tư vào các công ty thì bạn sẽ nhận được cổ phiếu, còn đầu tư vào quỹ mở thì sẽ nhận được chứng chỉ quỹ. Nếu quỹ đầu tư thành công thì giá trị tài sản của quỹ tăng lên tức là giá trị chứng chỉ quỹ tăng lên và đem lại lợi nhuận cho bạn.

Ngày nay, Quỹ mở cũng đã đa dạng hơn rất nhiều để các bạn có thể lựa chọn, không chỉ là cổ phiếu, mà còn có các quỹ mở chuyên về trái phiếu, vàng, bất động sản,…

Đọc thêm: Trái phiếu là gì? Đặc điểm, phân loại và lưu ý khi đầu tư trái phiếu

Kết luận

Đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ giúp bạn quản lý được rủi ro và giảm biến động trong giá tài sản. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng, dù danh mục bạn có đa dạng hóa tối ưu đến đâu, thì cũng không thể loại bỏ được rủi ro hoàn toàn.

Do đó, bạn cũng cần quan sát, tìm hiểu và đa dạng hóa một cách cụ thể, có kế hoạch và phân bổ nguồn vốn theo tỉ lệ hợp lý để cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro.

Exit mobile version