Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc về CFP là gì? Và làm thế nào để trở thành một CFP? Hãy cùng theo dõi nhé!
Nội dung bài viết
- 1 Certified Financial Planner (CFP) là gì?
- 2 Hiểu đúng về Hoạch định tài chính cá nhân
- 3 CFP và trách nhiệm của người được ủy thác
- 4 Làm thế nào để trở thành một Certified Financial Planner (CFP)?
- 5 Kỳ thi của Certified Financial Planner (CFP)
- 6 So sánh CFP và CFA
- 7 Khi nào bạn nên cần một CFP?
- 8 Chi phí cho một CFP là bao nhiêu?
- 9 Chứng chỉ CFP có tương đương với MBA không?
- 10 Kỳ thi CFP có khó không?
- 11 CFP học những gì?
- 12 Kết luận
Certified Financial Planner (CFP) là gì?
Certified Financial Planner (CFP) – còn gọi là Chứng chỉ Hoạch định tài chính cá nhân – là một trong những chứng nhận uy tín nhất trong ngành Financial Planning (Hoạch định Tài chính cá nhân) trên thế giới.
CFP là một sự công nhận chính thức về chuyên môn trong các lĩnh vực lập kế hoạch tài chính, thuế, bảo hiểm, lập kế hoạch bất động sản, hưu trí…
CFP được cấp bởi Hội đồng Tiêu chuẩn chứng nhận hoạch định tài chính – the Certified Financial Planner Board of Standards – FPSB.
Hiểu đúng về Hoạch định tài chính cá nhân
Hoạch định tài chính cá nhân là ngành dịch vụ tư vấn tài chính đứng trên quan điểm của Khách hàng, giúp họ ra các quyết định sử dụng sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính, bằng cách cung cấp bức tranh tài chính toàn diện cho mỗi người, thay vì chỉ sử dụng các sản phẩm tài chính riêng lẻ.
Bức tranh tài chính bao gồm cả hoạch định dòng tiền thu – chi – tích lũy, các kế hoạch đầu tư, kế hoạch nghỉ hưu, bảo hiểm, giáo dục, thuế… minh họa bức tranh tài chính toàn diện nhất, mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng để đạt được các mục tiêu tài chính khác nhau, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Các Chuyên viên Hoạch định tài chính (Financial Planner – FP) đóng vai trò như một “bác sĩ tài chính” đồng hành với Khách hàng của mình, họ đưa ra bức tranh tài chính mang tính tổng quan hơn các nhà tư vấn đầu tư độc lập.
Đọc bài viết này để hiểu thêm Hoạch định tài chính cá nhân là gì?
CFP và trách nhiệm của người được ủy thác
Tất cả FP đều tuân theo tiêu chuẩn của người được ủy thác, là phải luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích của bản thân. Ví dụ, bạn sẽ kiếm được nhiều hoa hồng hơn khi bán sản phẩm A thay vì sản phẩm B, nhưng sản phẩm B mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng, thì bạn phải lựa chọn sản phẩm B để tư vấn cho khách hàng.
Nghĩa vụ ủy thác luôn được nêu rõ trong Hiệp hội CFP, “Mọi lúc khi cung cấp lời khuyên tư vấn cho khách hàng, một người CFP chuyên nghiệp phải hành động như một người được ủy thác chuyên nghiệp, tức là, luôn đặt toàn bộ lợi ích của khách hàng lên trên hết”. (“At all times when providing financial advice to a client, a CFP professional must act as a fiduciary, and therefore, act in the best interest of the client.”)
Cùng với đó, một CFP phải thực hiện tốt 3 trách nhiệm ủy thác khác gồm:
- Duty of loyalty – trách nhiệm trung thành, phải thông báo rõ xung đột lợi ích nếu có với khách hàng
- Duty of care – Sự tận tâm, hoạt động dựa trên mục tiêu, mức độ chấp nhận rủi ro và hoàn cảnh thực tế của khách hàng.
- Duty to follow client instructions – tuân thủ điều khoản trong hợp đồng và thực hiện những yêu cầu hợp lý và đúng luật của khách hàng
Làm thế nào để trở thành một Certified Financial Planner (CFP)?
Để trở thành một CFP, mỗi ứng viên phải đạt được 4 tiêu chí:
- Education: Bằng cấp giáo dục,
- Exam: vượt qua được kỳ thi CFP,
- Experience: kinh nghiệm làm việc liên quan,
- Ethics: quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Tiêu chuẩn đầu tiên, ứng viên CFP phải tốt nghiệp bằng cử nhân chính quy bất kỳ lĩnh vực nào, được phê chuẩn của Bộ giáo dục. Đồng thời, ứng viên cũng phải hoàn thành các khóa học bổ trợ về thuế, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí,… được tiêu chuẩn hóa của Hội đồng FPSB tại nước sở tại.
Đối với những người đã có chứng chỉ CFA (chartered financial analyst) hoặc CPA (certified public accountant), hoặc đã tốt nghiệp ở các bậc học chính quy cao hơn như MBA (master of business administration) thì có thể sẽ được miễn không cần tham dự các khóa học bổ trợ của FPSB (tùy theo quy định của Hội đồng FPSB nước sở tại).
Đối với yêu cầu về kinh nghiệm, ứng viên phải chứng minh họ có ít nhất 3 năm (hoặc 6.000 giờ) làm việc toàn thời gian liên quan đến tất cả các mảng về Tài chính cá nhân, bao gồm cả việc giảng dạy các bộ môn này. Hoặc 2 năm (4.000 giờ) trong vai trò là người học nghề, dạng thực tập / hỗ trợ cho các FP chuyên nghiệp và được các FP này xác nhận. Các điều kiện này cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia.
Cuối cùng, các ứng viên cũng như thành viên giữ CFP đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Hội đồng FPSB nước sở tại. Họ cũng phải thường xuyên khai báo thông tin về hồ sơ chuyên môn và quá trình làm việc với FPSB nước sở tại, và chấp nhận sự giám sát định kỳ hoặc bất thường của FPSB với các thành viên.
Điều này giúp cho Hội đồng FPSB dễ dàng nắm bắt thông tin và có sự kiểm tra, theo dõi, đánh giá phù hợp đối với từng ứng viên. Hội đồng FPSB cũng là tổ chức cuối cùng có quyền thực thi cấp hoặc rút lại chứng chỉ CFP thông qua các quy tắc và thủ tục kỷ luật.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng sổ lượng CFP trên toàn thế giới là 203.312 người, tại 27 quốc gia đã đáp ứng đủ điều kiện để làm thành viên của FPSB Mỹ và được nhượng quyền cấp chứng chỉ CFP.
Bản đồ thể hiện sự phân bổ CFP theo khu vực lãnh thổ, nguồn từ FPSB
Quan trọng, CFP tại nước nào thì chỉ có giá trị tại nước đó, không có sự đồng nhất hoàn toàn giữa các quốc gia do đặc thù khác nhau về Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bảo hiểm xã hội, Tín dụng, Bất động sản,…
Kỳ thi của Certified Financial Planner (CFP)
Bài thi CFP có tất cả 170 câu hỏi trắc nghiệm với hơn 100 chủ đề khác nhau liên quan đến hoạch định tài chính cá nhân. Bao gồm các tiêu chuẩn hành nghề, quy trình làm việc, hoạch định đầu tư, bảo hiểm, thuế, hoạch định hưu trí,…
Mỗi chủ đề sẽ có các trọng số chấm điểm khác nhau, và được công bố trên website của Hội đồng CFP . Ngoài ra còn có các câu hỏi case study liên quan đến việc thiết lập mối quan hệ với khách hàng, quá trình thu thập thông tin khách hàng, cũng như khả năng giao tiếp, phân tích, việc thực hiện các khuyến nghị mà họ đưa ra cho khách hàng của mình.
Dưới đây là một số thông tin bổ sung, liên quan đến kỳ thi CFP:
- Thời gian: Bài thi gồm 2 phiên, mỗi phiên 3 giờ làm bài liên tục, thời gian nghỉ giải lao 40 phút giữa 2 phiên. Các kỳ thi thường được tổ chức trong Tháng 3, tháng 7 và tháng 11.
- Chi phí: 925$ cho các kỳ thi được tổ chức tại Mỹ, và có thể thay đổi đối với những ứng viên đăng ký sớm hoặc muộn.
- Điểm số: Đây là tiêu chí tham khảo, tùy thuộc vào mỗi đợt thi khác nhau.
- Thi lại: Bạn có thể thi lại tối đa 4 lần trong suốt cuộc đời của mình.
- Hiệu lực chứng chỉ: Từ 1 đến 3 năm, tùy quy định mỗi quốc gia. Người sở hữu CFP sẽ phải hoàn thành 30 giờ giáo dục thường xuyên, trong đó có 2 giờ Hội đồng FPSB thẩm định lại đạo đức nghề nghiệp ứng viên. Và bạn sẽ phải trả phí mỗi khi cấp phép lại.
So sánh CFP và CFA
Biểu đồ thể hiện số lượng CFA và CFP hiện có trên toàn cầu
Thoạt nhìn, nghe tên thì có vẻ hơi giống nhau, nhưng 2 chứng chỉ này hoàn toàn khác nhau với các chức năng công việc khác nhau và đối tượng khách hàng cũng khác nhau.
CFP thường làm việc trực tiếp với các khách hàng cá nhân, giúp họ đạt được các mục tiêu tài chính của mình. Bao gồm cả kế hoạch đầu tư và hoạch định nghỉ hưu.
CFA thường làm việc trong các tổ chức, ngân hàng đầu tư. Các CFA họ tập trung vào phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, quản lý danh mục đầu tư cho các tổ chức. Họ thường giao dịch các sản phẩm tài chính, phái sinh, các hoạt động M&A (mua bán và sát nhập)…
Khi nào bạn nên cần một CFP?
CFP thường là một người cố vấn tài chính. Do đó, khi nào bạn cần CFP sẽ tùy thuộc vào các kế hoạch tài chính của mình và sự hiểu biết của bạn với các sản phẩm tài chính, thuế, luật,…
Nếu bạn chỉ đơn giản cần một người tư vấn đầu tư chứng khoán, hoặc trái phiếu thì CFP có thể không cần thiết với bạn.
Ngược lại, nếu bạn cần một người tư vấn, quản lý tài chính ở quy mô tài sản lớn hơn, lựa chọn các kênh đầu tư nào sao cho phù hợp, phân bổ danh mục đầu tư, hoạch định cho hưu trí sau này, thì CFP rất hữu ích cho các nhu cầu này của bạn.
Chi phí cho một CFP là bao nhiêu?
Chi phí cho một CFP là bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào các nhu cầu cụ thể của bạn. Trung bình khoảng 1.800 – 2.500$ cho một kế hoạch tài chính toàn diện. Hoặc 250$ cho từng giờ tư vấn riêng lẻ.
Chứng chỉ CFP có tương đương với MBA không?
Không, Chứng chỉ CFP không tương đương với MBA.
CFP tập trung vào việc hoạch định tài chính cho các cá nhân.
MBA thì rộng hơn, tập trung nhiều vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, con đường nghề nghiệp của cả 2 cũng khác nhau.
CFP là một nhà tư vấn, hoạch định tài chính làm việc trong các tổ chức tư vấn tài chính hoặc quản lý gia sản. Còn người tốt nghiệp MBA thường sẽ có nhiều lựa chọn hơn, có thể trở thành các nhà quản lý doanh nghiệp, phân tích tài chính, chiến lược, hoặc thậm chí trở thành các doanh nhân.
Kỳ thi CFP có khó không?
Kỳ thi không khó nhưng nó cũng không dễ. Bởi vì nó đòi hỏi ứng viên phải có sự chuẩn bị với nhiều chủ đề khác nhau.
Cách tốt nhất để bạn có thể vượt qua kỳ thi là bạn phải có sự chuẩn bị kiến thức thật tốt và dành nhiều thời gian để ôn luyện, thực hành chúng.
CFP học những gì?
Danh sách các học phần theo chuẩn của FPSB Mỹ, bao gồm:
- Financial Planning Principles, Process and Skills: Các nguyên tắc, quy trình và kỹ năng trong Hoạch định Tài chính cá nhân
- Financial Management – Quản trị Tài chính cá nhân
- Tax Principles and Optimization – Tổng quan và Tối ưu Thuế thu nhập cá nhân
- Investment Planning / Asset Management – Hoạch định đầu tư / Quản lý tài sản
- Risk Management and Insurance Planning – Quản trị rủi ro và Hoạch định bảo hiểm
- Retirement Planning – Hoạch định tài chính cho giai đoạn hưu trí
- Estate Planning and Wealth Transfer – Hoạch định Di sản và thừa kế
- Integrated Financial Planning – Xây dựng Kế hoạch Tài chính toàn diện
Kết luận
Để trở thành một CFP bạn cần rất nhiều thời gian để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, cũng như các tiêu chuẩn đạo đức để hành nghề.
Ngay cả khi các ứng viên vượt qua bài kiểm tra và đáp ứng tất cả các yêu cầu, Hội đồng CFP vẫn là người có quyết định cuối cùng về việc có trao chứng chỉ này cho bạn hay không.
Do những yêu cầu nghiêm ngặt này, mà CFP thường là những người có các kiến thức, hiểu biết rất sâu về việc hoạch định tài chính cho cá nhân.