Nếu bạn là một Nhà đầu tư giá trị, đầu tư dài hạn thì chắc chắn bạn phải biết đọc Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính là văn bản thể hiện rõ nhất kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng quý, hàng năm của một công ty.
Tuy nhiên với bản báo cáo quá nhiều thông tin, số liệu như vậy, thì chúng ta nên quan tâm đến những con số nào? Và ý nghĩa của những con số đó là gì?
Trong bài viết này, anhthucfx sẽ cùng bạn đọc hiểu các chỉ số chính, cần quan tâm nhất của một nhà đầu tư khi tiếp cận với BCTC, để có cái nhìn tổng quan về bức tranh tài chính của doanh nghiệp.
Từ đó, bạn có thể biết được liệu Doanh nghiệp mình chọn có thực sự khỏe mạnh như mình vẫn nghĩ hay không?
Nội dung bài viết
Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính (BCTC), tên tiếng anh là Financial Statement. Là bản báo cáo cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp, như: tài sản, nợ, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền,…
BCTC thường được công bố định kỳ vào cuối mỗi quý, mỗi năm.
Một Báo cáo tài chính sẽ hữu ích khi cho phép người đọc trả lời được 3 câu hỏi căn bản về doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp này trị giá bao nhiêu?
- Khả năng thực hiện các nghĩa vụ trong tương lai của doanh nghiệp như thế nào?
- Các nhà quản lý đang điều hành doanh nghiệp tốt ra sao?
Phân loại báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính thường được chia làm 2 loại, là:
- Báo cáo tài chính hợp nhất
- Báo cáo tài chính tổng hợp
Báo cáo tài chính hợp nhất
Báo cáo tài chính hợp nhất là BCTC của một tập đoàn bao gồm công ty mẹ và nhiều công ty con, được hợp nhất từ BCTC của toàn bộ các đơn vị trong tập đoàn trên và được trình bày như Báo cáo tài chính của một Doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính tổng hợp
Báo cáo tài chính tổng hợp là BCTC tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu ở thời điểm kết thúc năm tài chính, tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh năm tài chính của toàn đơn vị.
Xem Báo cáo tài chính ở đâu?
Đối với các công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán thì việc tiếp cận Báo cáo tài chính của các Doanh nghiệp này là tương đối khó khăn.
Nhưng đối với các công ty đại chúng thì đều phải công bố công khai Báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Do đó việc tiếp cận những BCTC này tương đối dễ dàng.
Bạn chỉ cần lên google và gõ từ khóa tìm kiếm “Báo cáo tài chính + (tên công ty bạn muốn tìm kiếm)” lúc này sẽ ra hàng loạt kết quả để bạn có thể tra cứu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo ở một số nguồn như:
- Website của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) hoặc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)
- Website của Các công ty Chứng khoán, thường được lấy từ nguồn của Ủy ban Chứng khoán.
- Website của chính các Công ty công bố Báo cáo tài chính
- Website của các trang chuyên về tài chính, chứng khoán như cafef.vn, vietstock.vn
Dưới đây là cách anhthucfx thường dùng, ví dụ lấy Báo cáo tài chính của công ty FPT trên cafef.vn:
Bạn chọn cổ phiếu cần tìm kiếm thông tin, rồi kéo xuống dưới có phần Tải BCTC, chọn mục Báo cáo tài chính. Ở đây sẽ có đầy đủ các báo cáo theo định kỳ để các bạn có thể dễ dàng tìm kiếm.
Nội dung của bản Báo cáo tài chính
Một bản Báo cáo tài chính hoàn chỉnh phải cung cấp đủ các thông tin cụ thể cho người đọc về:
- Tài sản
- Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu
- Doanh thu, thu nhập khác, chi phí kinh doanh và chi phí khác
- Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh
- Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước khác
- Các tài sản khác có liên quan đến doanh nghiệp
- Các dòng tiền ra, vào luân chuyển trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Ngoài ra, như đã nói ở trên, mỗi báo cáo còn phải đính kèm các bản thuyết minh BCTC để giải trình chi tiết các thông tin cần phải mô tả trên BCTC tổng hợp.
Báo cáo tài chính gồm những gì?
Trong một bản Báo cáo tài chính thông thường sẽ có các phần chính như:
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Thuyết minh Báo cáo tài chính đi kèm
Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán giúp bạn quan sát được tổng quát mối quan hệ giữa tài sản và nợ của Doanh nghiệp, cho bạn biết nguồn hình thành tài sản của Doanh nghiệp ở một thời điểm nhất định (theo quý, năm) là do đâu.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Đây là bản cáo cáo cho biết doanh nghiệp đang hoạt động có doanh số bao nhiêu, chi phí hoạt động như thế nào, lợi nhuận còn lại sẽ là bao nhiêu.
Tóm lại, bản báo cáo này sẽ thể hiện chi tiết thực trạng hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp lời hay lỗ trong một kỳ hoạt động (theo quý, năm).
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ vô cùng quan trọng trong việc cung cấp những thông tin, đánh giá khả năng kinh doanh tạo ra tiền của doanh nghiệp.
Nó diễn giải ra mối liên quan giữa lợi nhuận ròng và dòng tiền ròng, phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp và dự đoán được kế hoạch thu chi tiền cho kỳ tiếp theo.
Thuyết minh Báo cáo tài chính
Thuyết minh Báo cáo tài chính là một bộ phận không thể tách rời của BCTC, dùng để phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, cũng như các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của các chuẩn mực kế toán cụ thể.
Cách đọc Báo cáo tài chính
Nếu bạn là một Nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì việc tiếp cận và hiểu hết tất cả “mê hồn trận” các số liệu này là một điều không thể. Lại càng khó khăn hơn nữa nếu xuất phát điểm của bạn không phải là người làm việc, học tập trong môi trường kinh tế, tài chính.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy khó mà bỏ qua nó thì càng tai hại hơn. Bởi vì việc đọc hiểu các con số trong BCTC là điều tiên quyết để bạn có thể “chọn mặt gửi vàng” các công ty, doanh nghiệp tốt trên thị trường chứng khoán.
Trong bài viết này, anhthucfx sẽ giúp bạn đọc hiểu các chỉ số chính, cần quan tâm nhất của một nhà đầu tư khi tiếp cận với BCTC này, để có cái nhìn tổng quan về bức tranh tài chính của doanh nghiệp.
Từ đó, bạn có thể biết được liệu Doanh nghiệp mình chọn có thực sự khỏe mạnh như mình vẫn nghĩ hay không?
Trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Như đã nói ở trên, đây là bản cáo cáo cho biết doanh nghiệp đang hoạt động có doanh số bao nhiêu, chi phí hoạt động như thế nào, lợi nhuận còn lại sẽ là bao nhiêu.
Do đó, bạn cần quan tâm một số con số sau:
Doanh thu
Doanh thu bán hàng = giá sản phẩm * số lượng sản phẩm bán ra
Tài khoản doanh thu bán hàng chỉ phản ánh doanh thu của số lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã được bán ra trong kỳ báo cáo, không phân biệt doanh nghiệp đã thu được tiền về hay chưa.
Một công ty tăng trưởng tốt thì doanh thu bán hàng cũng phải được tăng trưởng đều đặn, từ 15-25% mỗi năm.
Giá vốn hàng bán
Đây là phần đại diện cho tất cả chi phí trực tiếp tạo ra sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ để bán. Bao gồm cả lương nhân viên, tiền nguyên vật liệu thô, chi phí sản xuất, chi phí bán hàng,…
Ví dụ: bạn nhập lô hàng với giá 10.000.000 đồng, chi phí vận chuyển hết 1.000.000 đồng, thì giá vốn hàng bán lúc này sẽ là 11 triệu đồng.
Con số này cũng rất quan trọng, vì nếu doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng giá vốn hàng bán cũng lớn thì sẽ ăn mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lợi nhuận gộp
Lợi nhuận gộp = doanh thu – giá vốn hàng bán
Thông thường, chúng ta hay quan sát chỉ số này dưới dạng % theo công thức:
Tỷ lệ lợi nhuận gộp = (lợi nhuận gộp / doanh thu) * 100%
Ví dụ tỷ lệ lợi nhuận gộp là 30%, có nghĩa là nếu doanh nghiệp bán được 100 triệu thì lợi nhuận mang về sẽ là 30 triệu.
Chỉ số này cho biết mỗi đồng doanh thu bán ra sẽ mang về bao nhiêu % lợi nhuận.
Trong một ngành, doanh nghiệp nào có tỷ lệ lợi nhuận gộp này càng cao, thì càng có lợi thế cạnh tranh. Vì nó thể hiện được doanh nghiệp này kiểm soát chi phí tốt hơn, có lãi nhiều hơn.
Chi phí cố định
Đây là khoản chi phí không thay đổi khi doanh nghiệp thay đổi sản lượng sản xuất. Ví dụ như: tiền lương cố định, tiền thuê văn phòng, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), khấu hao tài sản cố định,…
Con số này thấp cho thấy Doanh nghiệp kiểm soát chi phí tốt, lợi nhuận tiềm năng của doanh nghiệp sẽ ổn định.
Lợi nhuận ròng
Lợi nhuận ròng = doanh thu – giá vốn hàng bán – chi phí cố định – thuế
Đây chính là khoản tiền lợi nhuận Doanh nghiệp thực sự kiếm được sau khi trừ tất cả chi phí, bao gồm cả thuế.
Khoản lợi nhuận này sẽ được chi trả cổ tức cho chính chúng ta, những người đầu tư vào cổ phiếu của Doanh nghiệp, hoặc giữ lại để tái đầu tư phát triển Doanh nghiệp mở rộng.
Con số này cũng phải tăng trưởng đều tương ứng với doanh thu để cho thấy Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Trong Bảng cân đối kế toán
Trong này, bạn cần quan sát 4 yếu tố chính sau:
Khoản phải thu
Khoản phải thu là số tiền khách hàng đang nợ doanh nghiệp do mua chịu hàng hóa, sản phẩm hoặc dịch vụ. Hay còn gọi là “công nợ”.
Hàng tồn kho
Hàng tồn kho của một doanh nghiệp bao gồm nguyên vật liệu thô, bán thành phẩm (các sản phẩm chưa được hoàn thiện), và thành phẩm chưa bán được.
Nhiều bạn không để ý chỗ này khi cho rằng hàng tồn kho chỉ là những thành phẩm chưa bán được. Từ đó đánh giá sai các yếu tố sản xuất cũng như bán hàng của doanh nghiệp.
Khoản phải trả
Đây là khoản tiền doanh nghiệp nợ các nhà cung cấp hoặc các hóa đơn điện, nước, thuế chưa thanh toán.
Nợ dài hạn
Các khoản nợ trên 1 năm của doanh nghiệp được xem là nợ dài hạn.
Hầu hết các Doanh nghiệp đều có nợ, vay để phát triển kinh doanh, hoạt động sản xuất.
Do đó, không phải mọi khoản nợ đều là xấu.
Tuy nhiên, bạn cũng cần phải quan sát khoản nợ này có lớn không, có vượt quá khả năng thanh toán của doanh nghiệp hay không.
Bạn cần phải so sánh con số này với lợi nhuận ròng, vì lợi nhuận sẽ giúp bạn trả được lãi suất và vốn vay.
Bạn cũng cần quan sát xem số tiền trả lãi định kỳ có cao quá so với chi phí cố định của doanh nghiệp hay không, thông thường khoản 15-20% chi phí cố định. Vì nếu cao quá, thì làm bao nhiêu cũng chỉ đủ nuôi ngân hàng.
Trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Trong báo cáo kết quả kinh doanh, bạn chỉ biết được các con số doanh thu, lợi nhuận, hoặc các chi phí của doanh nghiệp nhưng không biết những khoản tiền đó đã được chảy vào hay chảy ra khỏi doanh nghiệp hay chưa. Do đó, bạn cần phải đọc Báo cáo lưu chuyển tiền tệ này.
Nếu doanh thu của công ty tốt, nhưng các chi phí phát sinh tăng cao, máy móc thiết bị phải bảo trì liên tục thì lợi nhuận cũng không được tốt.
Hoặc nếu Doanh nghiệp bán được hàng, nhưng không thu hồi được tiền mặt được nhiều, khách hàng nợ nhiều thì Doanh nghiệp cũng sẽ bị thiếu thanh khoản, khó có thể mở rộng sản xuất để tiếp tục tăng trưởng.