Trong bài 4, chúng ta đã tìm hiểu phân tích cơ bản là dựa vào các yếu tố dữ liệu kinh tế, sự kiện,… để phân tích, xác định các cơ hội giao dịch.
Ở bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu phương pháp thứ hai, là Phân tích kỹ thuật, là một loại phân tích nhằm dự đoán hành vi thị trường trong tương lai dựa trên diễn biến giá cả trong lịch sử.
Nội dung bài viết
Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis), hay còn gọi là nghiên cứu biểu đồ, là chúng ta phân tích, nghiên cứu về các hành động giá (price action) trên thị trường theo thời gian thông qua việc sử dụng các biểu đồ giao dịch, nhằm dự đoán xu hướng giá trong tương lai.
Phân tích kỹ thuật có thể sử dụng để phân tích bất kỳ thị trường nào, sản phẩm nào, bất kỳ khung thời gian giao dịch nào.
Lịch sử và sự phát triển của Phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật bắt đầu xuất hiện tại Hà Lan ở thế kỷ 17 và sau đó tại Nhật Bản ở thế kỷ 18, được Homma Munehisa phát triển với biểu đồ nến nổi tiếng.
Thế nhưng Phân tích kỹ thuật mãi đến đầu thế kỷ 20 mới được phát triển rộng rãi khi được mang về và áp dụng tại phố Wall.
Nền tảng Phân tích kỹ thuật hiện đại được cho là bắt nguồn từ công trình của Charles Dow, là một nhà báo tài chính, là người đồng sáng lập ra tạp chí tài chính nổi tiếng The Wall Street Journal, và cũng là người phát minh ra chỉ số công nghiệp DowJones.
Dow là một trong những người đầu tiên nhận thấy rằng các tài sản và thị trường riêng lẻ thường biến động theo các xu hướng, các xu hướng đó có thể được phân khúc theo các mẫu hình biểu đồ, vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Công trình của ông sau đó đã khai sinh ra Lý thuyết Dow nổi tiếng.
Lý thuyết này đã khuyến khích những phát triển về sau của các trường phái phân tích kỹ thuật tiếp theo như Ralph Nelson Elliott, William Delbert Gann và Richard Wyckoff đầu thế kỷ 20.
Trong giai đoạn đầu, phân tích kỹ thuật được tiếp cận thô sơ dựa trên các bảng tính tự làm và các phép tính toán thủ công.
Nhưng với sự tiến bộ của công nghệ và các phần mềm hiện đại, Phân tích kỹ thuật đã trở nên phổ biến, phát triển rộng rãi và ngày nay nó là một công cụ quan trọng đối với nhiều nhà giao dịch, nhà đầu tư.
Nguyên tắc cơ bản của Phân tích Kỹ thuật
Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của phân tích kỹ thuật là giá của thị trường sẽ phản ánh tất cả các thông tin có liên quan.
Do đó, phân tích của họ thường nhìn vào các mẫu hình trong lịch sử chứ không phải là các thông tin bên ngoài như phân tích cơ bản.
Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng hoạt động của giá có xu hướng tự lặp lại, các thông tin sự kiện có thể thay đổi theo thời gian nhưng hành vi con người tham gia thị trường thì không thay đổi.
Giá cả thị trường phản ánh tất cả
Phân tích kỹ thuật cho rằng tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bên ngoài đều được các nhà giao dịch phản ánh kỳ vọng vào giá, thậm chí là các yếu tố bất ngờ như địa chính trị, thiên tai,…
Vì vậy, tất cả những gì một nhà phân tích kỹ thuật cần xem xét chỉ là những hành động giá (price action) trên biểu đồ.
Giá biến động theo xu hướng
Định nghĩa này được đưa ra bởi Charles Dow, ông cho rằng giá cả sẽ biến động theo một xu hướng nhất định hoặc là lên, hoặc xuống hoặc đi ngang (sideway).
Và khi một xu hướng được thiết lập, biến động giá trong tương lai được giả định nhiều khả năng sẽ đi tiếp theo xu hướng đó cho đến khi thay đổi xu hướng hơn là chống lại nó.
Lịch sử có xu hướng tự lặp lại
Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng cho dù các thông tin thị trường có thay đổi hay những lớp nhà đầu tư có thay đổi theo thời gian thì hành vi con người trên tổng thể vẫn không thay đổi. Những cảm xúc của con người đối với các sự kiện, hành động giá là không thay đổi.
Ví dụ khi lãi suất tăng thì đồng tiền đó sẽ mạnh hơn, các nhà đầu tư sẽ mua vào nhiều hơn. Và cứ thế, sau này, các nhà đầu tư mới cũng tin rằng cứ khi có tin tức lãi suất tăng, thì sẽ mua vào đồng tiền này.
Vì hành vi nhà đầu tư tự lặp lại thường xuyên, nên các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng các hình mẫu giá có thể nhận biết (và có thể dự đoán) dựa vào dữ liệu quá khứ trên biểu đồ.
Từ đó, giúp họ dự báo vùng mà tỷ giá có khả năng đi đến tiếp theo. Chính là các khái niệm về hỗ trợ, kháng cự.
Hơn nữa, hành vi con người lặp lại, biểu đồ giá từ đó cũng có khả năng lặp lại theo những gì đã xảy ra trong lịch sử. Đây chính là tiền đề về khái niệm mô hình giá.
Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng khi các mô hình giá này lặp lại sẽ có xác suất thành công cao hơn.
Các loại biểu đồ phổ biến trong phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật là chúng ta tập trung chủ yếu vào việc sử dụng các biểu đồ.
Do đó, trong phần này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu các loại biểu đồ phổ biến, thường được sử dụng trong phân tích kỹ thuật. Và tìm hiểu từng biểu đồ có ưu, nhược điểm gì để cải thiện quá trình giao dịch của bạn.
Ba loại biểu đồ phổ biến nhất là:
- Biểu đồ dạng đường
- Biểu đồ dạng thanh (OHLC)
- Biểu đồ nến
Biểu đồ dạng đường (line chart)
Biểu đồ dạng đường (line chart) được xem là hình thức đơn giản và quen thuộc nhất của biểu đồ khi phân tích kỹ thuật trên thị trường tài chính, chúng thường được sử dụng bởi các nhà giao dịch chứng khoán trong quá khứ.
Và ngày nay, nhờ sự trực quan, dễ hiểu của biểu đồ này, chúng ta vẫn hay gặp trong các báo cáo số liệu tài chính, kinh tế xã hội.
Biểu đồ dạng đường được vẽ ra từ một giá đóng cửa một phiên đến giá đóng cửa phiên tiếp theo.
Đây là một cách dễ dàng để thể hiện sự chuyển động giá chung của một thị trường trong một khoảng thời gian cụ thể, chúng ta cũng dễ dàng nhận biết được xu hướng của giá ngay khi nhìn biểu đồ.
Như ví dụ ở hình trên, GBPUSD tổng thể đang có xu hướng tăng và có một giai đoạn đi ngang dài ở giữa.
Tuy nhiên, loại biểu đồ này không thể hiện được mức độ biến động của giá trong một phiên giao dich. Do đó trong điều kiện thị trường phức tạp, dao động giá trong phiên cao thì sử dụng biểu đồ đường không mang lại hiệu quả phân tích cao.
Biểu đồ dạng thanh (bar chart)
Không giống như biểu đồ đường, chúng ta chỉ thấy được các giá đóng cửa nối với nhau.
Biểu đồ thanh cho chúng ta biết được nhiều thông tin hơn, bao gồm: giá mở cửa và đóng cửa, cũng như đỉnh và đáy (giá cao nhất và thấp nhất) trong phiên giao dịch đó.
Toàn bộ thanh đại diện cho phạm vi giao dịch trong khoảng thời gian cụ thể.
Giá mở cửa và đóng cửa được thể hiện bằng dấu ngang ở bên trái và bên phải của thanh dọc tương ứng.
Cũng ví dụ cặp GBPUSD trên nhưng thể hiện bằng biểu đồ thanh.
Tuy cung cấp nhiều thông tin hơn biểu đô dạng đường, nhưng biểu đồ thanh nhìn có vẻ không liên kết các thông tin với nhau. Việc nhận diện xu hướng thị trường do đó cũng phức tạp hơn một chút so với biểu đồ đường.
Biểu đồ dạng nến (Candlestick chart)
Các bạn có thể đọc bài Nến Nhật là gì trước khi đi vào phần này để hiểu thế nào là một cây nến trong phân tích kỹ thuật.
Nến nhật cũng thể hiện đầy đủ thông tin tương tự như biểu đồ thanh, nhưng được cho là trực quan và dễ tiếp cận hơn.
Sự khác biệt duy chỉ là cấu trúc của thân nến.
Trong biểu đồ dạng thanh, phần đóng cửa và mở cửa được minh họa bởi các dấu ngang bên phải và bên trái.
Trong biểu đồ nến thì được trực quan hơn thành phần thân ở giữa cho thấy nếu nó là một nến tăng (giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa) hoặc nến giảm (giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa).
Thân nến thường được thể hiện những màu sắc tương phản để dễ nhận biết.
Nến tăng thường để màu trắng hoặc xanh lá cây. Nến giảm thường để màu trắng hoặc màu đỏ.
Màu sắc có thể tùy chỉnh theo giác quan và phong cách giao dịch của nhà đầu tư.
Chính vì sự trực quan và rõ ràng hơn so với 2 dạng biểu đồ trên nên biểu đồ dạng nến thường được các nhà phân tích sử dụng nhiều nhất và phổ biến nhất hiện nay.
Mỗi biểu đồ đều có những ưu, nhược riêng của chúng. Tùy thuộc vào phong cách và sở thích giao dịch của bạn có thể lựa chọn loại biểu đồ phù hợp với mình.
Ngoài ra cũng còn một số biểu đồ khác như Heikin Ashi, Renko, Point & Figure,… nhưng ít được các nhà đầu tư sử dụng. Các bạn có thể tìm hiểu thêm ở bên ngoài.
Giới thiệu về phương pháp hành động giá – Price Action
Mặc dù có rất nhiều phương pháp kỹ thuật khác nhau được sử dụng trên thị trường, nhưng phổ biến nhất vẫn là phương pháp Price Action – phân tích hành động giá.
Đây là phương pháp phân tích chỉ thuần dựa trên các hành động giá ở biểu đồ.
Traders xác định các mẫu hình giá có khả năng thành công cao, lặp lại thường xuyên rồi dựa trên đó để quyết định vào lệnh cho tương lai.
Bản thân Tôi cũng là một người sử dụng phân tích kỹ thuật để giao dịch, và sử dụng chính phương pháp Price Action. Tôi phân tích và giao dịch ngắn hạn trong ngày hoặc trung hạn một vài ngày.
Trong các phần tiếp theo, tôi sẽ nói nhiều hơn về phương pháp giao dịch Price Action này và cách tôi sử dụng chúng trong giao dịch Forex như thế nào.
Qua 2 bài gần nhất, chúng ta đều thấy được các đặc điểm, ưu và nhược của cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Cả 2 đều hữu dụng để nhà giao dịch có thể áp dụng và ra quyết định đầu tư.
Bạn cảm thấy phù hợp với phương pháp nào thì nên nghiên cứu, tận dụng nó để áp dụng vào phân tích giao dịch của mình. Sẽ không có cách nào là tối ưu và hoàn hảo. Và tốt nhất là bạn có thể kết hợp cả 2 phương pháp để bổ trợ cho nhau ra kết quả tốt nhất.
Đọc tiếp bài 6: Cơ bản về Price Action – phương pháp phân tích Hành động giá
Tham khảo toàn bộ bài học cho người mới tại đây: Khóa học Forex miễn phí
Nguồn: Tham khảo Wikipedia và tổng hợp