Để thành công trong giao dịch ngoại hối, bạn cần có cho mình một phương pháp giao dịch nào đó để phân tích, thực hiện các quyết định nên Mua hay Bán của mình.
Trên thị trường ngoại hối hiện tại có 2 phương pháp phân tích phổ biến là phân tích cơ bản thông qua các tin tức kinh tế, địa chính trị, sự kiện,… xảy ra trong phiên giao dịch để xác định giá trị tương đối của thị trường.
Phương pháp thứ hai là phân tích kỹ thuật thông qua các công cụ chỉ báo (indicators), biểu đồ giá, dựa vào các hành động giá (price action) và xu hướng để giúp xác định nơi giá có thể hướng tới.
Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng của chúng.
Điều quan trọng là bạn lựa chọn phương pháp nào hiệu quả với chính bạn.
Khi lựa chọn, bạn phải hiểu về chúng, về cách thức phân tích, hoạt động, về tư duy, phong cách giao dịch của bạn.
Anhthucfx sẽ đi chi tiết vào 2 phương pháp này để giúp các bạn hình dung rõ hơn trước khi lựa chọn.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Phân tích cơ bản:
Nội dung bài viết
Phân tích cơ bản là gì?
Phân tích cơ bản trên thị trường ngoại hối là phương pháp phân tích tất cả dữ liệu kinh tế, địa chính trị, xã hội, các sự kiện,… ảnh hưởng đến thị trường tài chính trên toàn cầu, hoặc riêng biệt về một quốc gia, đồng tiền nào đó, để giúp họ tìm kiếm các manh mối xác định giá trị tương đối của thị trường.
Sau đó, trader tìm kiếm sự khác biệt giữa giá thị trường hiện tại, so sánh với các quốc gia khác và định giá của riêng họ để phát hiện ra các cơ hội giao dịch mua hay bán.
Logic đằng sau của phân tích cơ bản là thông qua các dữ liệu trên để đánh giá sức mạnh nền kinh tế của quốc gia đó ở hiện tại, tác động đến đồng tiền của quốc gia đó như thế nào ở tương lai.
Nếu một nền kinh tế mạnh, tốt thì sẽ thu hút, khuyến khích được nhiều đầu tư ở trong và ngoài nước tập trung về.
Trên tổng thể sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng đồng tiền của quốc gia đó, và kết quả cuối cùng là làm tăng sức mạnh của đồng tiền quốc gia đó.
Các dữ liệu kinh tế cần biết khi phân tích cơ bản
Dưới đây là một số dữ liệu, sự kiện kinh tế quan trọng mà một nhà phân tích cơ bản cần quan sát trên thị trường. Nó có thể ảnh hưởng ít hoặc nhiều đến sự biến động tỉ giá trên thị trường ngoại hối.
Chính phủ của mỗi quốc gia sẽ có lịch công bố các thông tin này khác nhau. Bạn cần theo dõi ở lịch kinh tế để nắm bắt thời gian chi tiết hơn.
Theo dõi Lịch kinh tế ở đâu và theo dõi như thế nào, Thức sẽ viết ở phần dưới.
- GDP (Gross Domestic Product): tổng sản phẩm quốc nội. Là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định trong một thời kỳ nhất định, thường được tính theo quý hoặc năm. Các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư nhìn vào tăng trưởng GDP để xem nền kinh tế có mạnh hay không. Khi nền kinh tế tăng lên, các công ty tạo ra lợi nhuận cao hơn và mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, điều này có khả năng dẫn đến thị trường chứng khoán của quốc gia đó sẽ tăng và tiền tệ sẽ tăng trưởng mạnh.
- Lãi suất (interest rate): Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển giá của thị trường ngoại hối. Traders thường hay quan sát các động tĩnh của FED (The Federal Reserve System) – Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ để đánh giá việc lãi suất sẽ tăng, giảm hay không đổi trong tương lai. USD là đồng tiền mạnh nhất và được giao dịch nhiều nhất trên thị trường.
- Một yếu tố quan trọng tác động đến lãi suất thay đổi là lạm phát (inflation): Lạm phát là tốc độ tăng giá chung của hàng hóa và dịch vụ. Các ngân hàng trung ương cố gắng hạn chế lạm phát và tránh giảm phát, để giữ cho nền kinh tế quốc gia hoạt động ổn định. Họ làm điều này bằng cách điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất khi cần thiết. Nhà đầu tư cần chú ý đến chỉ số CPI (consumer Price Index – chỉ số giá tiêu dùng) và PPI (Producer Price Index – chỉ số giá sản xuất), đây là hai chỉ số tác động mạnh đến sự thay đổi của lạm phát.
- Dữ liệu việc làm (Employment): bao gồm tỉ lệ có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp, tiền lương hàng tháng/năm, bản tin phi nông nghiệp (Non-farm payrolls) của Hoa Kỳ. Bộ chỉ số này thường được báo cáo cùng lúc vào thứ Sáu đầu tiên hàng tháng. Đây là một trong những thông tin được các nhà đầu tư quan tâm nhất trên thị trường vì tầm quan trọng của nó trong việc xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Nên khi dữ liệu này được phát hàng thì thị trường biến động liên tục.
- Tỉ lệ thất nghiệp tăng đều đặn có thể được hiểu là biểu hiện của tình hình kinh tế của quốc gia đó đang xấu đi, đây được xem là một tín hiệu tiêu cực, tức là đồng tiền của quốc gia đó khả năng sẽ suy yếu. Mức thất nghiệp càng cao, đồng tiền đó càng yếu.
- Bản tin Phi nông nghiệp (Nonfarm) là báo cáo về số lượng công việc mới được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp. Bản tin Non-farm tăng trưởng tốt hơn dự báo có thể cho thấy một thị trường lao động tươi sáng, tạo triển vọng cho nền kinh tế Mỹ và do đó có thể có tác động tích cực đến đồng đô la Mỹ và chứng khoán Mỹ.
- Dữ liệu về nhà ở (Housing data): Cung cấp thông tin liên quan đến ngành công nghiệp xây dựng, với vai trò xác định sự phát triển của nền kinh tế quốc gia đó. Một doanh số bán nhà tốt cho thấy quốc gia đó đang phát triển mạnh. Trong khi doanh số yếu sẽ cho thấy một nền kinh tế yếu kém, chậm chạp.
- Dữ liệu hàng hóa lâu bền (Durable good orders data): cung cấp các thông tin liên quan đến thói quen chi tiêu hàng hóa của người dân quốc gia đó. Từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất khác của nền kinh tế.
- Cán cân thương mại (Trade balance): liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ hữu hình của một quốc gia. Chỉ số này không chỉ phản ánh sức mạnh tiêu dùng, sản xuất của quốc gia mà còn giúp xác được được nhu cầu sử dụng đồng tiền của quốc gia đó có lớn hay không.
- Ngoài ra còn các sự kiện khác như chính trị, thiên tai, dịch bệnh,… cũng tác động phần nào đó đến tình hình kinh tế của quốc gia. Các bạn cũng không nên bỏ qua chúng.
Việc thông báo những tin tức, dữ liệu kinh tế vĩ mô trên sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính và mức độ biến động sẽ tùy thuộc vào sự kỳ vọng của thị trường.
Nói chung, sự khác biệt càng lớn giữa kỳ vọng và thực tế, mức độ phản ứng sẽ càng lớn.
Ví dụ, nếu bảng lương phi nông nghiệp tốt hơn cùng kỳ tháng trước, thì đây là một dấu hiệu tốt cho thấy nền kinh tế đang phát triển. Nếu sự gia tăng trong bảng lương phi nông nghiệp lớn, có thể chỉ ra rằng lạm phát có thể được tăng lên. Nếu bảng lương thấp hơn mong đợi, các nhà giao dịch ngoại hối có khả năng bán USD với dự đoán đồng tiền đang suy yếu. Nếu nó vượt quá kỳ vọng, giá trị của đồng đô la Mỹ có thể tăng lên.
Lịch Kinh tế (Economic Calendar)
Nhà đầu tư có thể theo dõi lịch công bố tất cả các thông tin trên thông qua chức năng Lịch Kinh Tế.
Nếu các bạn dùng nền tảng TradingView để phân tích thì trên đây đã có tích hợp sẵn tính năng Lịch kinh tế này bên góc phải của biểu đồ, rất tiện lợi để theo dõi.
Anhthucfx cũng có một bài viết hướng dẫn sử dụng TradingView, đây là một nền tảng giao dịch và là mạng xã hội của các nhà đầu tư, nhà giao dịch trên toàn cầu. Các bạn có thể xem lại tại đây: Hướng dẫn chi tiết sử dụng TradingView mới nhất năm 2021.
Nếu bạn dùng các nền tảng giao dịch khác, không có tích hợp tính năng Lịch kinh tế, thì các bạn có thể tham khảo trên ForexFactory.
Tại đây, mỗi thông báo đều được phân loại theo từng quốc gia, từng ngày, từng thời điểm, theo các mức độ quan trọng: Cao, Trung bình hoặc Thấp lần lượt là các màu Đỏ, Cam, Vàng để bạn dễ dàng dự đoán sự biến động của thị trường.
Sẽ có rất nhiều dữ liệu kinh tế vĩ mô được công bố hàng ngày, hàng giờ.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều quan trọng.
Là một nhà giao dịch, bạn phải biết những chỉ số nào có thể ảnh hưởng đến các lệnh giao dịch của bạn và những thông tin nào bạn nên xem, nên tìm hiểu, phân tích cặn kẽ.
Ví dụ như trong lịch kinh tế ở dưới, bạn có thể chỉ cần quan sát và đánh giá các tin tức, sự kiện có mức độ quan trọng Cao – màu đỏ, nó có tác động nhiều nhất đến thị trường.
Ngân hàng Trung ương
Ngân hàng trung ương (có khi gọi là ngân hàng dự trữ) là cơ quan đặc trách quản lý hệ thống tiền tệ của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ và chịu trách nhiệm thi hành chính sách tiền tệ.
Mục đích hoạt động của ngân hàng trung ương là ổn định giá trị của tiền tệ, ổn định cung tiền, kiểm soát lãi suất, cứu các ngân hàng thương mại có nguy cơ đổ vỡ.
Hầu hết các ngân hàng trung ương thuộc sở hữu của Nhà nước, nhưng vẫn có mức độ độc lập nhất định đối với Chính phủ.
Như các bạn cũng biết ở trên, Chính sách tiền tệ là yếu tố quan trọng nhất trong phân tích cơ bản, và nó được ban hành bởi các ngân hàng trung ương này.
Một số ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất trên thị trường ngoại hối bao gồm:
- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)
- Ngân hàng Trung ương Anh (BoE)
- Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)
- Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Chính trị ảnh hưởng như thế nào đến thị trường
Chính trị và kinh tế luôn có mối quan hệ rất chặt chẽ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các sự kiện chính trị tùy vào mức độ quan trọng cũng có thể có tác động đáng kể đến thị trường tài chính.
Điều chúng ta dễ nhận thấy sự thay đổi nhất trong các sự kiện chính trị chính là bầu cử ở các quốc gia.
Các cuộc bầu cử được các nhà đầu tư xem như là rủi ro tiềm tàng về bất ổn chính trị, điều này có thể dẫn đến sự biến động lớn trên cả thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối.
Ví dụ ở hình bên dưới, là ngày công bố kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 09/11/2016.
Đồng USD đã biến động gần 3% ngày hôm đó, trong khi trung bình các phiên trước đó đồng USD chỉ biến động khoảng 0.4-0.5% mỗi phiên giao dịch.
Hay như sự kiện Brexit ngày 24/06/2016 đã làm cho cặp tiền GBPUSD giảm gần 12% giá trị trong một phiên giao dịch. 12% là con số rất kinh khủng so với biến động trong giao dịch Ngoại hối.
Như bạn có thể thấy, chính trị có thể có tác động rất lớn đến thị trường tài chính.
Các sự kiện càng không có sự chắc chắn, khó đoán ban đầu, thường sẽ biến động rất mạnh sau đó với các kết quả bất ngờ khi tin tức chính thức được công bố.
Đó là lý do tại sao việc theo sát bối cảnh chính trị là vô cùng quan trọng.
Những mội dung trong bài viết này được tổng hợp và cung cấp với mục đích mang tính thông tin chung và là tài liệu đào tạo. Bất kỳ ý kiến, phân tích, đánh giá hoặc các nội dung khác trong bài viết không được xem là tư vấn hoặc khuyến nghị đầu tư.
Tất cả các quyết định giao dịch phải luôn dựa trên những phân tích kỹ càng và phán quyết độc lập của bạn.
Đọc tiếp bài 5: Phân tích kỹ thuật là gì?
Tham khảo toàn bộ bài học cho người mới tại đây: Khóa học Forex miễn phí