Hoạch định tài chính cá nhân là một khía cạnh quan trọng trong việc quản lý tài chính và thực thi chúng để đạt được các mục tiêu tài chính của bạn. Bằng cách tuân theo một kế hoạch tài chính đã vạch sẵn, bạn có thể kiểm soát được tình hình tài chính của mình, điều chỉnh khi cần thiết và giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt trong việc sử dụng tốt nhất các nguồn lực tài chính của bản thân.
Vậy hoạch định tài chính cá nhân là gì? Tầm quan trọng của chúng ra sao? Và làm thế nào để thực hiện chúng. Mời bạn cùng xem bài viết sau đây.
Nội dung bài viết
Hoạch định tài chính cá nhân là gì?
Hoạch định tài chính cá nhân là quá trình tạo ra một lộ trình để quản lý tiền bạc và đạt được các mục tiêu tài chính của bạn cả trong ngắn hạn và dài hạn. Các mục tiêu đó bao gồm: quản lý chi tiêu, tích lũy tương lai, quản lý nợ, bảo vệ tài sản và đầu tư cho tương lai.
Lập kế hoạch tài chính là một hành trình quan trọng, nếu không quá thì bất cứ ai cũng phải thực hiện, để đạt được sự ổn định và an toàn tài chính trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Nếu không có kế hoạch tài chính, bạn rất dễ bị choáng ngợp khi có một vấn đề tài chính lớn nào đó xảy ra và dễ đưa ra các quyết định tài chính sai lầm có thể gây hậu quả lâu dài.
Một bản kế hoạch tài chính hoàn chỉnh, giống như tấm bản đồ, sẽ giúp bạn hình dung rõ những mục tiêu của bản thân, giúp đưa ra các quyết định sáng suốt và dễ dàng kiểm soát hơn trong việc thực thi các mục tiêu đó. Ngoài ra, hoạch định tài chính cũng giúp bạn có một góc nhìn rộng hơn, an tâm hơn khi bạn đã có sẵn kế hoạch khi gặp bất cứ khó khăn nào trong suốt con đường chinh phục mục tiêu tài chính đó.
Đọc thêm: Hoạch định tài chính cá nhân là gì?
Thiết lập mục tiêu tài chính
Thiết lập mục tiêu tài chính là một phần quan trọng trong hoạch định tài chính cá nhân.
Các mục tiêu tài chính tạo cho bạn động lực để tập trung vào những gì bạn muốn đạt được trong cuộc sống và giúp bạn định hướng cách để thực hiện những mục tiêu đó.
Chúng ta thường chia làm 2 mục tiêu chính, là mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu đặt trong một khoảng thời gian gần với hiện tại, từ 1-3 năm. Có thể là những khoản trả nợ cho vay tín dụng tiêu dùng, hoặc tiết kiệm để chuẩn bị cho một khoản trả trước tiền mua nhà, mua xe,…
Mục tiêu dài hạn là những mục tiêu mà bạn muốn đạt được xa hơn ở trong tương lai, như tiết kiệm cho thời gian nghỉ hưu, cho khoản giáo dục của con cái,…
Bạn có thể thiết lập mục tiêu tài chính cho bản thân theo phương pháp SMART:
- Specific và Measurable, Cụ thể và đo lường được. Thay vì chỉ đặt mục tiêu là “tiết kiệm tiền”, thì hãy đặt cụ thể hơn như “tiết kiệm 50 triệu trong vòng 12 tháng tới”.
- Achievable: Mục tiêu có thể đạt được. Việc đặt một mục tiêu cao để thách thức bản thân là tốt, nhưng chúng cũng phải thực tế và phù hợp với năng lực, khả năng, tình hình hiện tại của bản thân. Không thể mức lương hiện tại đang 10 triệu/tháng mà bạn đặt mục tiêu tiết kiệm 100 triệu trong 12 tháng tới.
- Relevant: Mục tiêu có tính thực tế. Thực tế ở đây là nó thực sự quan trọng với bạn, phù hợp với giá trị và mức độ ưu tiên của bạn trong thời gian tới.
- Time-bound: Mục tiêu có mốc thời gian cụ thể. Ví dụ trong vòng 6 tháng tới, 12 tháng tới hoặc 5 năm tới. Điều này sẽ giúp bạn có động lực và duy trì sự tập trung cao hơn để hoàn thành mục tiêu đúng hướng.
Thiết lập ngân sách cá nhân
Thiết lập ngân sách là một phần quan trọng của kế hoạch tài chính, vì nó giúp bạn hiểu các nguồn tài chính của mình và phân bổ chúng theo cách phù hợp với các mục tiêu tài chính của bản thân.
Một bảng ngân sách tốt cũng giúp bạn quản lý được chi tiêu phù hợp hơn và đưa ra các quyết định mua sắm “sáng suốt” hơn.
Một số gợi ý giúp bạn thiết lập một ngân sách cá nhân phù hợp, bao gồm:
- Liệt kê thu nhập của bạn: Bao gồm lương, thưởng của thu nhập chính, các khoản đầu tư, hoặc bất kỳ khoản thu nhập thêm nào khác,..
- Liệt kê chi tiêu của bạn: Bao gồm chi phí cố định như chi tiêu sinh hoạt, đi lại, tiền thuê nhà, tiền trả lãi hàng tháng,.. Và các chi phí biến đổi hàng tháng như mua sắm, ăn ngoài, du lịch, giải trí hưởng thụ,…
- Thực hiện theo dõi chi tiêu của bạn một vài tháng liên tục, bằng phần mềm, app hoặc ghi chép, để biết được các mức chi tiêu trung bình của bạn trong một tháng.
- So sánh giữa mức chi tiêu và thu nhập: Nếu mức chi tiêu vượt quá mức thu nhập thường xuyên của bạn, thì đó là một nguy hiểm. Bạn cần cân nhắc xem xét lại, giảm chi tiêu ở những khoản không cần thiết, ưu tiên giảm trước khoản hưởng thụ, giải trí,.. và tìm cách gia tăng thu nhập hiện có.
- Thiết lập các mục tiêu ngân sách: có thể ngắn hạn như trả tín dụng tiêu dùng, tiết kiệm cho khoản du lịch ngắn ngày,.. hoặc các mục tiêu dài hạn hơn như trả góp mua nhà, mua xe,…
- Theo dõi và điều chỉnh ngân sách của bạn thường xuyên: Đây là một việc rất quan trọng để đảm bảo rằng nó vẫn phù hợp và hiệu quả trong việc giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính của mình.
Tiết kiệm cho tương lai
Tiết kiệm cho tương lai là một phần quan trọng trong việc lập kế hoạch tài chính, vì nó giúp bạn xây dựng được sự an toàn về tài chính và đáp ứng cho các nhu cầu tài chính của bạn trong tương lai.
Một số chiến lược giúp bạn tích lũy, bao gồm:
- Để dành một khoản tiền nhất định hàng tháng: Xác định khoản tiền bạn cần để dành mỗi tháng, theo mục tiêu tài chính nào đó, hoặc một % nhất định của thu nhập (thường 10-30%). Bạn cần phải làm việc này đầu tiên ngay khi vừa nhận lương, chuyển ngay khoản đó vào tài khoản tiết kiệm, thiết lập tự động hóa nó càng tốt.
- Thiết lập quỹ dự phòng cá nhân: Điều quan trọng là phải dự trữ tiền mặt hoặc tài sản có tính thanh khoản cao để nhanh chóng sử dụng trong trường hợp có chi phí bất ngờ hoặc trường hợp khẩn cấp xảy ra. Một quy tắc nhỏ là quỹ dự phòng thường bằng khoảng 3-6 tháng mức chi tiêu trung bình hàng tháng của bạn được xem là an toàn.
- Tạo cho mình một mục tiêu tiết kiệm dài hạn: Cho một khóa học, chứng chỉ nâng cao nghề nghiệp, mua nhà, mua xe, hoặc hoạch định hưu trí trong tương lai,.. Miễn là bạn có một mục tiêu và lên kế hoạch tiết kiệm cho mục tiêu đó.
- Đa dạng khoản đầu tư của bạn: Đa dạng hóa giúp bạn giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn và gia tăng lợi nhuận tiềm năng trong dài hạn. Bao gồm tích lũy mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ,…
Điều quan trọng là bạn cần thiết phải bắt đầu tiết kiệm cho tương lai càng sớm càng tốt để tận dụng sức mạnh của lãi kép.
Quản trị tín dụng cá nhân
Khi bạn quản trị tốt các khoản tín dụng nợ vay của mình, nó sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro các vấn đề tài chính khi sự cố xảy ra và đạt được các mục tiêu tài chính nhanh hơn.
Mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao sẽ làm gia tăng rủi ro tài chính của bạn và có thể khiến bạn khó đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn hơn nếu không quản trị tốt.
Một vài cách giúp bạn quản trị tín dụng tốt hơn, như:
- Thiết lập ngân sách: Như ở trên đã trình bày, việc lập ngân sách sẽ giúp bạn xác định những chi tiêu không cần thiết mà bạn có thể cắt giảm chi phí, và có thêm tiền để trả nợ.
- Gia tăng thu nhập và trả nhiều hơn số tiền phải trả hàng tháng: giúp bạn giảm nhanh phần nợ gốc, từ đó giảm lãi vay phải trả hàng tháng, và nhanh trả hết khoản nợ hơn.
- Khi có nhiều khoản nợ cùng lúc, thì ưu tiên trả dứt điểm các khoản nợ có lãi suất vay cao hơn trước, giúp bạn tránh bị tác dụng ngược của lãi kép, làm gia tăng nhanh chóng các khoản nợ.
- Tái cấu trúc các khoản nợ có lãi suất cao: Khi bạn đang có khoản nợ với lãi suất cao, xem xét thương lượng, hoặc thay đổi gói vay, chỗ vay để có các mức lãi suất thấp hơn. Tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn tài chính cũng là một cách để giúp bạn tái cấu trúc các khoản vay.
Quản trị rủi ro cá nhân và bảo vệ danh mục tài sản
Quản trị rủi ro cá nhân và bảo vệ danh mục tài sản là một việc hết sức quan trọng trong hoạch định tài chính cá nhân. Chúng giúp bạn bảo vệ nguồn tài chính của mình trong trường hợp có rủi ro bất ngờ hoặc khẩn cấp xảy ra, mà không làm suy giảm tài sản của bạn.
Một số cách có thể gợi ý giúp bạn, như:
- Mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ: Giúp đảm bảo tài chính cho bạn khi có các rủi ro đau ốm, bệnh tật về sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng lao động, làm sụt giảm thu nhập của bạn. Để tối ưu thì bạn chỉ nên mua những bảo hiểm thực sự cần và phù hợp cho bản thân mình.
- Mua bảo hiểm tài sản: như bảo hiểm xe cộ, nhà cửa (nếu kinh doanh) tránh những lúc sự cố xảy ra bất ngờ.
- Thiết lập quỹ dự phòng khẩn cấp: Như đã đề cập ở trên, quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn dự trữ một khoản tiền mặt trong trường hợp có chi phí bất ngờ hoặc trường hợp khẩn cấp xảy ra vẫn có thể xoay xở nhanh chóng, giống như một tấm đệm tài chính giúp bảo vệ tài sản của bạn.
- Đa dạng danh mục đầu tư của bạn: Đa dạng hóa giúp bạn giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn và gia tăng lợi nhuận tiềm năng trong dài hạn.
- Bảo vệ tài sản online trực tuyến của bạn trong thời đại công nghệ số hiện nay: Bằng cách tránh chia sẻ mật khẩu, đăng nhập nhiều nơi, nhiều thiết bị. Sử dụng các mật khẩu mạnh, tránh trùng lặp, và hạn chế truy cập, chia sẻ các thông tin nhạy cảm, không rõ nguồn gốc,..
Xây dựng Danh mục đầu tư
Xây dựng Danh mục đầu tư sẽ giúp bạn xây dựng sự giàu có, ổn định theo thời gian và đáp ứng cho các mục tiêu tài chính dài hạn của bạn.
Đầu tư là phương pháp tối ưu nhất để gia tăng tài sản hiện có của bạn, nhưng đồng thời nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đầu tư. Do đó, bạn cần phải tìm hiểu rõ những thông tin liên quan về sản phẩm mà mình dự định đầu tư, lợi nhuận và rủi ro có thể gặp phải, trước khi ra quyết định tham gia đầu tư bất kỳ sản phẩm nào.
Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn tìm hiểu trước khi tham gia đầu tư:
- “Educate yourself” – Tự vấn bản thân, tự tìm tòi thông tin sản phẩm đầu tư, tìm hiểu rõ rủi ro và lợi ích tiềm năng của từng sản phẩm. Bạn có thể tìm hiểu qua google, qua các sách, báo viết về sản phẩm, thông qua bạn bè, qua cố vấn tài chính hoặc qua các khóa học đầu tư,…
- Xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng: Điều này có thể sẽ giúp bạn phân tán bớt rủi ro gặp phải và có khả năng gia tăng lợi nhuận ổn định trong dài hạn để đạt được các mục tiêu tài chính của bạn. Các loại tài sản bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,… và các loại hình đầu tư khác.
- Bắt đầu với số vốn nhỏ: Điều này đặt biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư mới, bắt đầu nhỏ giúp bạn có trải nghiệm trong đầu tư thực chiến, vừa giúp bạn giảm thiểu rủi ro nếu đầu tư sai ở thời điểm đầu. Tích lũy dần kinh nghiệm, kiến thức và tăng dần khoản đầu tư theo thời gian.
- Đồng hành với các cố vấn tài chính của bạn: Đây là cách hữu hiệu nhất, và có thể giúp bạn nhanh học hỏi và giảm thiểu rủi ro nhất khi mới bắt đầu đầu tư. Một người cố vấn tài chính có thể giúp bạn hiểu rõ các mục tiêu tài chính của mình, giải đáp các thắc mắc gặp phải và thiết lập một kế hoạch đầu tư phù hợp với nhu cầu cụ thể của bạn.
Đọc thêm: Đầu tư gì cho năm 2023?
Làm việc với Cố vấn tài chính
Làm việc với một Cố vấn tài chính có thể là một cách hữu ích để giúp bạn quản lý tốt các nguồn tài chính hiện có của bản thân, giảm thiểu rủi ro ban đầu và có thể giúp đạt được các mục tiêu tài chính của bạn một cách nhanh chóng, rõ ràng hơn.
Một số lợi ích khi làm việc với cố vấn tài chính bao gồm:
- Sự chuyên môn: Các Cố vấn tài chính là những người được đào tạo có chuyên môn về việc lập kế hoạch tài chính và quản lý đầu tư. Họ sẽ giúp bạn hiểu rõ được tình hình tài chính hiện tại của bản thân, và cung cấp cho bạn các gợi ý để làm cách nào bạn đạt được các mục tiêu tài chính của mình.
- Mỗi cá nhân, gia đình sẽ có những mục tiêu tài chính khác nhau, phù hợp với từng nhu cầu, tình hình, đặc điểm khác nhau ở từng thời điểm khác nhau. Người Cố vấn tài chính sẽ giúp bạn cân đối, điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với từng cá thể. Điều này sẽ tốt hơn là bạn áp dụng những công thức mẫu, lý thuyết rập khuôn ở bên ngoài.
- Sự kỷ luật: Các cố vấn tài chính là những người đồng hành cùng bạn, giúp bạn đi đúng hướng với các mục tiêu tài chính của mình và khuyến khích bạn giữ kỷ luật trong việc ra các quyết định tài chính đúng đắn.
- Tiết kiệm thời gian: Thay vì một mình bạn phải tự thực hiện hàng loạt bước trên như thiết lập ngân sách, xây dựng danh mục đầu tư,… thì người Cố vấn tài chính sẽ đồng hành và thực hiện giúp bạn.
Kết luận
Hoạch định tài chính cá nhân là một khía cạnh quan trọng trong việc quản lý tài chính và thực thi chúng để đạt được các mục tiêu tài chính của bạn. Nó bao gồm: thiết lập các mục tiêu tài chính cá nhân, tạo ngân sách, tiết kiệm cho tương lai, quản lý nợ, bảo vệ tài sản của bạn và đầu tư cho tương lai.
Bằng cách tuân theo một kế hoạch tài chính đã vạch sẵn, bạn có thể kiểm soát được tình hình tài chính của mình, điều chỉnh khi cần thiết và giúp đưa ra những quyết định sáng suốt trong việc sử dụng tốt nhất các nguồn lực tài chính của bản thân.
Nếu đọc đến đây bạn vẫn chưa có cho mình một bản kế hoạch tài chính của riêng mình, thì bây giờ chính là lúc để bạn bắt đầu thiết lập nó, và bài viết này là những gợi ý đầu tiên dành cho bạn.
Bất kể bạn đang ở đâu trong hành trình chinh phục các mục tiêu tài chính của cuộc đời mình, một sinh viên đang ngồi ghế nhà trường, một người mới đi làm, mới lập gia đình, hay chuẩn bị hoặc đang ở giai đoạn nghỉ hưu, thì đây đều là những bước quan trọng để cải thiện và giúp bạn định hướng con đường chinh phục mục tiêu được rõ ràng hơn.
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu hoạch định tài chính cho cuộc đời mình, và lợi ích của nó là rất lớn. Do đó, hãy thực hiện bước đầu tiên ngay hôm nay và bắt đầu lập kế hoạch cho một tương lai tài chính tươi sáng hơn của chính bạn.