Không chỉ trong đầu tư, mà trong bất kỳ tình huống nào, thời điểm nào trong cuộc sống cũng có những rủi ro tiềm ẩn xung quanh chúng ta.
Một kế hoạch kinh doanh dù bạn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng mọi thứ nhưng đến khi thực thi thì không đạt kết quả như mong muốn. Đó cũng được gọi là rủi ro.
Hay đơn giản là bạn đang chạy xe máy ngoài đường, đột nhiên trời đổ mưa to, bạn không để áo mưa trong cốp xe vì lúc sáng đi vội quên mang theo. Đó cũng được xem là một rủi ro.
Tuy nhiên, rủi ro không hoàn toàn chỉ mang tính tiêu cực, rủi ro còn mang tính tích cực.
Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát cho con người nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội nếu chúng ta biết tận dụng chúng.
Trong bài viết này, anhthucfx và các bạn sẽ cùng tìm hiểu rủi ro là gì? Có những loại rủi ro nào? Và cách chúng ta phòng ngừa, quản lý rủi ro trong đầu tư như thế nào cho phù hợp.
Nội dung bài viết
Rủi ro là gì?
Rủi ro, theo nghĩa tiêu cực, được xem là sự không may, sự tổn thất, mất mát, nguy hiểm.
Trong kinh doanh: rủi ro là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Trong đầu tư: Rủi ro là sự tổn thất về tài sản hay là sự giảm sút lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến.
Theo một khái niệm tích cực theo hướng “hiện đại” hơn, rủi ro là bất cứ điều gì không chắc chắn có thể gây ra hậu quả, để lại thiệt hại mà chúng ta không biết, không lường trước được về không gian, thời gian, cũng như mức độ nghiêm trọng.
Lúc này, rủi ro vừa có tính tiêu cực như trên, nhưng cũng có tính tích cực.
Rủi ro có thể mang đến cho con người những cơ hội. Nếu tích cực nghiên cứu rủi ro, nhận dạng, đo lường rủi ro, quản trị rủi ro, người ta không chỉ tìm ra được những biện pháp phòng ngừa, né tránh mà còn có thể “lật ngược tình thế”, biến thủ thành công, biến bại thành thắng, biến thách thức thành những cơ hội, mang lại kết quả tốt đẹp trong tương lai.
Rủi ro bao gồm 3 yếu tố:
- xác suất xảy ra (Probability)
- khả năng ảnh hưởng đến đối tượng (Impacts on objectives)
- thời lượng ảnh hưởng (Duration).
Bản chất rủi ro là sự không chắc chắn (uncertainty). Do đó, nếu chắc chắn (xác suất bằng 0% hoặc 100%) thì không được gọi là rủi ro.
Nguyên nhân dẫn đến rủi ro
Nguyên nhân dẫn đến rủi ro có thể đến từ một trong hai yếu tố sau:.
- Nguyên nhân chủ quan: Là nguyên nhân dẫn đến rủi ro từ chính bản thân bạn nhưng không phải do cố ý. Nó xảy ra do bạn thiếu hiểu biết hoặc không nhận thức hoặc bất cẩn gây nên. Dẫn đến sai lầm trong lựa chọn, sai lầm trong việc ra quyết định và thực hiện quyết định.
- Nguyên nhân khách quan: Là nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong bảo hiểm từ những yếu tố khách quan mà chúng ta không kiểm soát được. Ví dụ:
-
- Yếu tố môi trường: Thiên tai, bệnh dịch, hạn hán, lũ lụt,…
- Yếu tố về văn hóa, sự phát triển của xã hội: các định chế xã hội, thói quen tiêu dùng, văn hóa ứng xử, thuần phong mỹ tục,…
- Yếu tố về kinh tế, xã hội, chính trị: Ví dụ như khủng hoảng, suy thoái kinh tế, lạm phát, bất ổn chính trị, thay đổi thể chế, chính sách,…
Nguyên nhân dẫn đến rủi ro dù là khách quan hay chủ quan đều để lại những hậu quả mà bạn không thể lường trước được. Điều bạn quan tâm thực sự bây giờ là phải nắm được cách thức để phân tích mức độ thiệt hại khi rủi ro xảy ra với bạn.
Phân biệt tài sản có rủi ro và tài sản phi rủi ro
Xét về bản chất, tài sản rủi ro là tài sản có dòng lợi tức trong tương lai không chắc chắn và chúng ta đo lường sự không chắc chắn này bằng phương sai hoặc độ lệch chuẩn của tỷ suất lợi tức kỳ vọng.
Ngược lại, tỷ suất lợi tức trên tài sản phi rủi ro là hoàn toàn chắc chắn, vì thế độ lệch chuẩn của tỷ suất lợi tức kỳ vọng của nó bằng 0.
Chỉ duy nhất chính phủ hoặc ngân hàng trung ương mới có thể phát hành chứng khoán phi rủi ro phục vụ cho việc điều hành chính sách tài khóa hoặc chính sách tiền tệ.
Những chứng khoán phi rủi ro thường gặp là trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc hoặc tín phiếu ngân hàng trung ương.
Mặc dù vậy, trong thực tế không có tài sản nào hoàn toàn không có rủi ro.
Trong ngắn hạn, tín phiếu kho bạc, tín phiếu ngân hàng trung ương, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn của ngân hàng thương mại xem là những tài sản phi rủi ro. Với kỳ hạn ngắn, giá trị của chúng không thay đổi và ít nhạy cảm trước sự biến động của lãi suất.
Trong dài hạn, tài sản phi rủi ro duy nhất là trái phiếu được điều chỉnh theo chỉ số giá.
Tuy nhiên, để một trái phiếu được điều chỉnh theo chỉ số giá trở thành hoàn hảo (cung cấp một lợi tức được đảm bảo) thì kỳ hạn của trái phiếu phải đồng nhất với thời gian nắm giữ kỳ vọng của nhà đầu tư và mức lãi suất danh nghĩa trên trái phiếu cũng phải thay đổi linh hoạt theo tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế.
Đọc thêm: Trái phiếu là gì? Đặc điểm, phân loại và lưu ý khi đầu tư trái phiếu
Phân loại tài sản theo rủi ro
Có 3 loại tài sản cơ bản, mỗi loại tài sản có độ rủi ro khác nhau, bao gồm:
- Cổ phiếu: thường có rủi ro lớn nhất
- Tài sản thu nhập cố định (trái phiếu): có mức độ rủi ro vừa phải
- Tiền mặt hoặc tương đương tiền: là tài sản có tính thanh khoản cao nhất, và ít rủi ro nhất.
Theo nguyên tắc chung, đầu tư với lợi nhuận tiềm năng cao nhất sẽ có độ rủi ro lớn nhất.
Phân loại rủi ro
Trên thị trường đầu tư phân thành hai loại rủi ro chính: rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống. Đây là hai loại rủi ro có thể khiến mức sinh lời trong đầu tư không đạt như kỳ vọng.
Rủi ro hệ thống – (rủi ro thị trường)
Rủi ro hệ thống, còn được gọi là rủi ro thị trường.
Rủi ro hệ thống liên quan các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế hay đến phân khúc thị trường chứng khoán.
Rủi ro này ảnh hưởng đến tất cả các công ty bất kể tình trạng tài chính hoặc quản lý của công ty.
Tùy thuộc vào phạm vi đầu tư, nó có thể liên quan đến yếu tố quốc tế cũng như là các yếu tố nội địa.
Rủi ro hệ thống bao gồm: rủi ro lãi suất, rủi ro lạm phát, rủi ro tiền tệ và rủi ro chính trị xã hội,… đây là các yếu tố nằm ngoài công ty, không thể kiểm soát được.
Rủi ro lãi suất
Rủi ro lãi suất là khả năng biến động của mức sinh lời do những thay đổi của lãi suất trên thị trường gây ra.
Quan hệ giữa lãi suất với giá của trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi là mối quan hệ tỉ lệ nghịch.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa lãi suất và giá cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông) là gián tiếp và luôn thay đổi.
Nguyên nhân là dòng thu nhập từ cổ phiếu thường có thể thay đổi theo lãi suất, nhưng ta không thể chắc chắn được sự thay đổi đó là cùng chiều hay ngược chiều với sự thay đổi của lãi suất.
Lãi suất thay đổi làm cho chi phí và doanh thu của doanh nghiệp thay đổi. Sự thay đổi này phụ thuộc vào cơ cấu tài sản và cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp có hệ số nợ cao, lãi suất tăng lên làm tăng chi phí lãi vay phải trả và làm cho lợi nhuận của Doanh nghiệp sụt giảm, giá cổ phiếu giảm và ngược lại.
Rủi ro thị trường
Rủi ro thị trường là sự tăng và giảm giá trị của các khoản đầu tư hàng ngày trong một khoảng thời gian nhất định, do sự đánh giá và ra quyết định của các nhà đầu tư trên thị trường, mặc dù thu nhập của doanh nghiệp vẫn không thay đổi.
Các nhà đầu tư thường quyết định việc mua bán chứng khoán dựa vào 2 nhóm sự kiện:
- Một là nhóm các sự kiện hữu hình như các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội.
- Hai là nhóm các sự kiện vô hình do yếu tố tâm lý của thị trường.
Rủi ro lạm phát là gì?
Rủi ro lạm phát là rủi ro khi sự tăng giá hàng hóa và dịch vụ dẫn đến giảm khả năng mua sắm.
Nói đến lạm phát, ai cũng bị ảnh hưởng. Không ai tránh được ảnh hưởng của lạm phát.
Thông thường các nhà đầu tư dự kiến trước mức độ mất giá của đồng tiền qua tỷ lệ lạm phát dự kiến và họ sẽ chỉ chấp nhận đầu tư khi lợi tức thu được bù đắp cho họ tổn thất này.
Khi lạm phát thực tế khác với tỷ lệ lạm phát dự kiến, rủi ro sức mua sẽ phát sinh.
Rủi ro hệ thống có thể được giảm nhẹ bằng chiến lược gọi là phân bổ tài sản. Điều này liên quan đến việc tạo ra một danh mục đầu tư gồm những tài sản không tương quan.
Trong một danh mục đầu tư gồm những tài sản có sự tương quan, khi có sự kiện hệ thống xảy ra, tất cả chứng khoán sẽ cùng lúc tăng hoặc giảm giá.
Khi một danh mục đầu tư được phân bổ vốn trên những tài sản không tương quan, một sự kiện hệ thống có thể làm một số tài sản mất giá, trong khi những tài sản khác có thể không bị ảnh hưởng, hoặc thậm chí còn tăng giá.
Phân bổ tài sản giúp giảm rủi ro và dàn trải trên toàn danh mục của bạn.
Rủi ro phi hệ thống
Rủi ro phi hệ thống thường ảnh hưởng đến cụ thể một công ty, một ngành, một sản phẩm hoặc một tài sản đầu tư hơn. Loại rủi ro này do các yếu tố nội tại của công ty gây ra và nó có thể kiểm soát được.
Ví dụ như rủi ro quản lý, rủi ro kinh doanh, rủi ro pháp lý, rủi ro của bên thứ ba và rủi ro tín dụng.
Rủi ro kinh doanh
Là rủi ro do sự thay đổi bất lợi về tình hình cung cầu hàng hoá hay dịch vụ của doanh nghiệp, hay là sự thay đổi bất lợi môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Rủi ro tín dụng
Là rủi ro về khả năng thanh toán trái tức, cổ tức và hoàn vốn cho người sở hữu chứng khoán.
Rủi ro tín dụng liên quan đến sự mất cân đối giữa doanh thu, chi phí và các khoản nợ của doanh nghiệp.
Rủi ro quản lý
Là rủi ro do tác động của các quyết định từ nhà quản lí doanh nghiệp.
Các loại rủi ro đầu tư khác
Tùy vào đặc thù từng ngành hàng, từng công ty, từng lĩnh vực hoặc từng thời điểm, điều kiện kinh doanh khác nhau sẽ có những rủi ro trong đầu tư khác nhau.
Thông thường các rủi ro này đều được mô tả trong các bản cáo bạch của công ty. Các bạn hãy tìm đọc thật kỹ trước khi đầu tư bất kỳ công ty nào.
Rủi ro đầu tư của bạn cũng có thể tăng lên nếu bạn không theo dõi hiệu năng và không thay đổi kịp thời danh mục đầu tư của bạn.
Đo lường rủi ro
Đo lường rủi ro là việc tính toán, xác định tần suất rủi ro và biên độ rủi ro từ đó phân nhóm rủi ro.
Đo lường rủi ro bao gồm hai nội dung chính là đo lường tần số của tổn thất và đo lường mức độ nghiêm trọng của tần suất rủi ro đó.
Đo lường tần số của tổn thất
Một phương pháp ước lượng tần số tổn thất là quan sát xác suất để một nguy hiểm sẽ gây ra tổn thất trong một năm.
Nếu nhà quản trị giả định không thể có hơn một tổn thất xảy ra trong một năm, xác suất tổn thất sẽ là tần số tổn thất hàng năm.
Đo lường mức độ nghiêm trọng của tần suất rủi ro
Tổn thất lớn nhất có thể có là giá trị thiệt hại lớn nhất có thể xảy ra, có thể nhận thức được.
Tổn thất lớn nhất phụ thuộc vào tính chất của mối nguy hiểm gây ra tổn thất cũng như phụ thuộc vào đối tượng của tổn thất.
Hệ số Beta (“𝛃”)
Cho tới nay, hệ số beta vẫn được coi là một thước đo của sự biến động thị trường hay rủi ro hệ thống trong nền kinh tế, hoặc rủi ro của một chứng khoán hay một chứng khoán hay một danh mục đầu tư so với các thị trường về mặt tổng thể.
Hệ số beta thường được ước tính bằng cách hồi quy lợi nhuận cổ phiếu với lợi nhuận của chỉ số chứng khoán trong một khoản thời gian.
Về ý nghĩa, hệ số beta sẽ đánh giá độ nhạy so với thị trường của một cổ phiếu so với toàn bộ thị trường. Beta cũng được sử dụng để so sánh rủi ro thị trường của một cổ phiếu với các cổ phiếu khác.
- Beta = 1: Giá chứng khoán sẽ biến động cùng chiều với biến động của thị trường.
- Beta < 1: Chứng khoán sẽ ít biến động hơn so với biến động của thị trường.
- Beta < 0: Trường hợp này, sự biến động của thị trường và danh mục đầu tư sẽ có mối quan hệ nghịch đảo. Ví dụ như thị trường vàng và thị trường cổ phiếu, khi chứng khoán sụt giảm thì giá vàng được cải thiện tốt hơn.
Ví dụ, nếu beta của một chứng khoán là 1.2, như vậy về lý thuyết, biến động giá của chứng khoán này sẽ nhanh hơn 20% so với biến động giá của thị trường.
Nếu kỳ vọng thị trường có xu hướng gia tăng, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn danh mục với hệ số beta cao hơn.
Ngược lại, nếu thị trường có xu hướng giảm đi, họ sẽ cần phân bổ danh mục đầu tư với tỷ lệ beta nhỏ hơn 1 để trong trường hợp nếu thị trường có giảm thực sự, mức độ thiệt hại sẽ được hạn chế phần nào.
Lưu ý: Việc sử dụng beta chỉ có ý nghĩa khi đánh giá mức độ rủi ro của toàn thị trường, còn một số rủi ro cụ thể liên quan đến công ty thì beta sẽ không có ý nghĩa, cần có thêm những biện pháp khác để quản lý.
Biện pháp phòng ngừa, quản lý rủi ro trong đầu tư
Đầu tư dài hạn
Một khái niệm rất phổ biến của những nhà đầu tư dài hạn là: “mua và nắm giữ”. Những người này chỉ tập trung vào kết quả dài hạn thay vì các thay đổi thị trường hàng ngày.
Không nên cho rằng nhà đầu tư dài hạn không kiểm tra các khoản đầu tư.
Thông thường, họ sẽ đánh giá lại kế hoạch tài chính, các khoản đầu tư, và tiến trình thực hiện các mục tiêu của mình theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc từng năm.
Nếu một khoản đầu tư cụ thể không còn phù hợp với thời gian đầu tư hoặc đang có mức rủi ro cao làm cho nhà đầu tư không an tâm thì họ sẽ bán toàn bộ hay một phần khoản các khoản đầu tư đang nắm giữ.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư dài hạn cũng cần có tính kiên trì cao và cẩn trọng trong từng chiến lược và bước đi dù là nhỏ nhất để đảm bảo lợi nhuận ổn định, lâu dài.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Không loại tài sản nào luôn tốt, cũng không một cổ phiếu nào tăng trưởng mãi.
Vì vậy, bạn không những đầu tư nhiều cổ phiểu hoặc ngành nghề khác nhau, mà còn cần đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau. Nếu một số khoản đầu tư xuống giá, thì những khoản khác có thể lên giá bù đắp lại.
Đó cũng là ý nghĩa của câu nói chúng ta thường nghe: “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
Khi một tài sản, hoặc một cổ phiếu tăng trưởng nóng, thì danh mục đầu tư đa dạng có thể không thành công bằng các nhà đầu tư 100% vào cổ phiếu tăng trường đó.
Nhưng thị trường rơi vào khủng hoảng, hoặc ngành nghề đó bị suy thoái, thì các khoản đầu tư đa dạng hóa sẽ cho thấy được lợi thế và sự hiệu quả của phương pháp.
Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ lớn, họ không chỉ đa dạng hóa trong cùng một loại tài sản, mà còn phân bổ ra nhiều loại tài sản và thậm chí đa dạng hóa trên toàn cầu.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân như chúng ta, không đủ nguồn vốn phân bổ, hoặc không đủ kiến thức, thời gian để đa dạng hóa đầu tư, thì đầu tư vào Quỹ mở là cách dễ dàng nhất để đa dạng hóa.
Nguyên tắc cơ bản của chiến lược phân bổ tài sản
Lịch sử trên thị trường chỉ ra rằng các loại tài sản có hiệu suất khác nhau từ năm này qua năm khác. Trái phiếu có thể có lợi nhuận lớn nhất trong năm nay nhưng trong năm tới sẽ là cổ phiếu. Hoặc hàng hóa có thể là loại tài sản hấp dẫn trong một thời gian nhưng sau đấy sẽ bình ổn khi loại tài sản khác tạo cơn sốt.
Nhìn vào lợi nhuận trong quá khứ thì nhận xét dễ hơn. Tuy nhiên, dự đoán loại tài sản nào sẽ lên giá nhiều nhất trong một năm cố định là một điều khó khăn. Vì lý do đó, nếu chia khoản đầu tư thành nhiều loại tài sản thì có khả năng một loại tài sản sẽ tăng cao và các loại tài sản khác cũng tăng luân phiên trong dài hạn.
Phân bổ tài sản giúp các nhà đầu tư cân bằng lợi nhuận với mức độ rủi ro có thể chấp nhận. Phân bổ tài sản của bạn nên dựa vào các mục tiêu đầu tư, thời gian đầu tư, và khả năng chấp nhận rủi ro.
Tuy nhiên bạn cũng không nên cứng nhắc trong kế hoạch phân bổ tài sản, cần theo dõi và xem xét, cân đối lại tỉ lệ cho phù hợp theo thời gian, theo mục tiêu, và theo biến động của thị trường từng thời điểm.
Đọc thêm: Đa dạng hóa danh mục đầu tư là gì?
Đầu tư định kỳ
Còn được gọi là trung bình giá mua, một chương trình đầu tư định kỳ là một chiến lược tuyệt vời để đối phó với thị trường giảm giá và chiếm lợi thế khi thị trường tăng giá.
Với cách tiếp cận này, bạn sẽ loại bỏ cách phỏng đoán khi cố gắng mua giá thấp và bán giá cao.
Bạn không cần phải lo lắng về thời điểm tốt nhất để đầu tư nếu bạn bỏ ra số tiền giống nhau mỗi tháng, nhưng giống phần lớn các chiến lược đầu tư, nó không đảm bảo lợi nhuận hoặc bảo vệ bạn không bị thiệt hại.
Chiến lược này có thể giảm bớt sự lo lắng khi danh mục đầu tư giảm giá. Điều tốt khi thị trường giảm giá là bạn mua được cổ phiếu với giá thấp.
Tuy nhiên, chiến lược này đòi hỏi bạn tiếp tục đầu tư dù thị trường tăng hay giảm.
Trước khi bắt đầu kế hoạch trung bình giá mua này, bạn nên cân nhắc khả năng của mình khi tiếp tục mua vào trong lúc thị trường và nền kinh tế không ổn định.
Lời kết
Rủi ro là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ nơi đâu, thị trường nào. Do đó, mọi khoản đầu tư đều đi kèm với một số mức độ rủi ro nhất định.
Hiểu biết sâu sắc về rủi ro và các dạng khác nhau của nó chắc chắn có thể giúp bạn ra quyết định đầu tư tốt hơn.
Hơn nữa, quản lý rủi ro là một trong những công việc cần và ưu tiên thực hiện ngay từ đầu trước khi ra bất kỳ quyết định đầu tư nào.
Anhthucfx hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp các bạn nhận thức được rủi ro là gì và biết cách phòng ngừa, quản lý rủi ro tốt hơn trong đầu tư.
Chúc các bạn giao dịch thành công.
Nguồn: Tổng hợp