Tài chính hành vi là một phân nhánh mới thuộc kinh tế học hành vi, đề xuất các lý thuyết dựa trên tâm lý học để giải thích các sự kiện bất thường trên thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung, chẳng hạn như sự tăng hoặc giảm giá cổ phiếu.
Tài chính hành vi đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình đầu tư và ra quyết định giao dịch trên thị trường. Nhưng hiện tại cũng còn khá ít người quan tâm đến chúng.
Trong bài viết này, anhthucfx sẽ cùng các bạn tìm hiểu Tài chính hành vi là gì? Và chúng ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc, đến hành vi giao dịch của chúng ta ra sao? Và những sai lầm mà chúng ta hay gặp phải được giải thích qua thuật ngữ của Tài chính hành vi.
Nội dung bài viết
- 1 Tài chính hành vi là gì?
- 2 Bản chất của Tài chính hành vi
- 3 Những sai lầm cơ bản của Nhà đầu tư giải thích theo Tài chính hành vi
- 3.1 Sai lầm về mặt nhận thức
- 3.1.1 Sai lầm nhận thức khi phân loại tài sản (tiền) – mental-accounting bias
- 3.1.2 Tâm lý bầy đàn (tâm lý đám đông) – Herd mentality bias
- 3.1.3 Thiên kiến về sự xác nhận – confirmation bias
- 3.1.4 Sự bảo thủ – conservatism bias
- 3.1.5 Thiên lệch do các tình huống điển hình – Representativeness
- 3.1.6 Ảo tưởng về sự kiểm soát – illusion of control
- 3.1.7 Thiên lệch về nhận thức muộn – Hindsight bias
- 3.1.8 Hiệu ứng mỏ neo và điều chỉnh – Anchoring & adjustment bias
- 3.2 Sai lầm về mặt cảm xúc
- 3.1 Sai lầm về mặt nhận thức
- 4 Kết luận
Tài chính hành vi là gì?
Tài chính hành vi là một phân nhánh mới thuộc kinh tế học hành vi, đề xuất các lý thuyết dựa trên tâm lý học, xã hội học và nhân loại học vào tài chính, để giải thích các sự kiện bất thường trên thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung, chẳng hạn như sự tăng hoặc giảm giá cổ phiếu.
Mục đích của tài chính hành vi là xác định và tìm hiểu lý do tại sao mọi người lại đưa ra lựa chọn tài chính nào đó. Tài chính hành vi giả định rằng cấu trúc thông tin và đặc điểm của những người tham gia thị trường ảnh hưởng một cách có hệ thống đến các quyết định đầu tư cũng như kết quả thị trường.
Bản chất của Tài chính hành vi
Giả thuyết thị trường hiệu quả đề xuất rằng tại bất kì thời điểm nào trong thị trường có tính thanh khoản cao, nơi có người mua và người bán dồi dào, giá cả sẽ phản ánh tất cả thông tin có sẵn.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận các hiện tượng dài hạn trên thị trường chứng khoán mâu thuẫn với giả thuyết này và không thể được giải thích hợp lý trong các mô hình dựa trên ý tưởng là nhà đầu tư luôn đưa ra các quyết định lí trí.
Tài chính hành vi giải thích những hiện tượng này bằng cách kết hợp những hiểu biết khoa học về lý luận nhận thức với lý thuyết kinh tế và tài chính thông thường.
Cụ thể hơn, tài chính hành vi nghiên cứu những thành kiến trong tâm lý của con người.
Dù thành kiến có tầm quan trọng và mục đích trong thường ngày, chúng cũng có thể dẫn đến các quyết định đầu tư phi lý trí. Sự hiểu biết về thành kiến trong một tập thể đưa ra lời giải thích rõ ràng hơn về lí do tại sao hiện tượng bong bóng (mua vào quá nhiều) và hoảng loạn (bán quá nhiều) lại xảy ra.
Bên cạnh đó, hiểu rõ tài chính hành vi còn giúp người quản lý danh mục đầu tư và nhà đầu tư thu được lợi ích lớn. Theo đó, nó không chỉ giúp họ có cái nhìn rõ hơn về quyết định đầu tư của bản thân, mà còn có thể tận dụng sự biến động của thị trường để kiếm thêm lợi nhuận.
Những sai lầm cơ bản của Nhà đầu tư giải thích theo Tài chính hành vi
Theo quan điểm của tài chính hành vi, nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung không phải lúc nào cũng hành động một cách duy lý, mà trong các quyết định của các nhà đầu tư còn bị chi phối bởi các thiên lệch hành vi.
Thiên lệch hành vi được định nghĩa như là cách nhìn nhận, phán xét, đánh giá không đúng (error of judgement) mang tính hệ thống. Sự không đúng ở đây hàm ý là khi so sánh với lý thuyết tài chính truyền thống, xây dựng dựa trên giả thuyết thị trường hiệu quả.
Sai lầm về mặt nhận thức
Sai lầm về mặt nhận thức thường bắt nguồn từ việc bản thân không đủ khả năng phân tích thông tin, hoặc phân tích dựa trên thông tin có sẵn, hoặc thiếu hụt thông tin để phân tích.
Những sai lầm này có thể bị loại bỏ hoặc hạn chế mỗi khi bạn được tiếp nhận thông tin mới tốt hơn, hoặc thông qua việc tìm hiểu, tham gia các khóa học nâng cao kiến thức.
Chúng bao gồm những đặc điểm sau:
Sai lầm nhận thức khi phân loại tài sản (tiền) – mental-accounting bias
Sai lầm này thường xảy ra khi Nhà đầu tư (NĐT) coi các khoản tiền là khác nhau dựa trên nguồn gốc hình thành, từ đó phân loại thành những tài sản khác nhau, đưa ra các quyết định giao dịch khác nhau. Điển hình là:
- Phân loại nguồn tiền từ lợi nhuận và nguồn tiền gốc. Ví dụ: NĐT có 100 triệu vốn ban đầu, giao dịch lời 20 triệu. Tâm lý của NĐT lúc này sẽ cố gắng giữ chắc khoản tiền vốn 100 triệu, còn 20 triệu lời kia sẽ mang đi đầu tư những khoản rủi ro hơn với suy nghĩ rằng nếu có mất cũng chỉ mất tiền lời. Tuy nhiên, về bản chất thì 20 triệu hay 100 triệu, chúng đều là tài sản của bạn, đều là tiền như nhau. Đây là sai lầm dễ nhận thấy nhất của các NĐT.
- Tiền trúng số, tiền giải thưởng. Tâm lý trường hợp này cũng khá tương tự với khoản tiền 20 triệu lời ở trên. NĐT con những khoản tiền “trên trời rơi xuống” này là do may mắn có được, không phải công sức của mình bỏ ra nên dễ dàng tiêu xài, đầu tư rủi ro,… Tuy nhiên, suy cho cùng thì đây cũng là tiền, là tài sản của bạn.
Tâm lý bầy đàn (tâm lý đám đông) – Herd mentality bias
Tâm lý đám đông – hay còn gọi là tâm lý bầy đàn, là sự mô tả cách một số người bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh những hành vi nhất định.
Tâm lý này thường gặp ở mỗi chúng ta khi tham gia quá nhiều nhóm chat, group, forum,… rồi nghe những khuyến nghị, lời kêu gọi đầu tư trên đó mà không kiểm chứng thông tin cụ thể.
Ví dụ: một nhóm NĐT khuyến nghị mua một mã chứng khoán nào đó, bạn thấy rất nhiều người trong nhóm cũng hào hứng và mua rất nhiều, thì bạn lúc này cũng vội mua mà không tìm hiểu kỹ, kiểm chứng lại công ty đó, thương vụ đó.
Tâm lý bầy đàn này hầu hết đều mang tính tiêu cực vì chỉ đầu tư hùa theo số đông mà không có kiến thức, không có sự kiểm chứng cụ thể, rõ ràng, dễ bị rơi vào những trò bịp hoặc thất bại.
Tất nhiên cũng sẽ có những đám đông sẽ đúng như:
- Khi thị trường sụp đổ, hoảng loạn, tất cả cùng bán tháo chạy theo đám đông càng nhanh càng tốt. Hoặc:
- Khi thị trường tăng trưởng quá nóng, FOMO để không bị bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Nghịch lý là số đông thường hay ra quyết định sai lầm hơn là đúng, nên các bạn cũng cần lưu ý khi tham gia các group, hội nhóm, forum,.. chọn lọc thông tin, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi ra quyết định đầu tư.
Thiên kiến về sự xác nhận – confirmation bias
Thiên kiến xác nhận, hay còn gọi là thiên kiến khẳng định, là một khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ.
Trên thị trường chứng khoán, NĐT thường có xu hướng tìm kiếm thông tin/luận điểm để hỗ trợ quan điểm đầu tư hiện tại của mình, đồng thời thường bỏ qua các thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến quan điểm của họ.
Chúng ta cũng thường thấy trên các group, forum khi họ chỉ tập trung tìm kiếm các thông tin bảo vệ các luận điểm đã được xác nhận trước đó, các cơ hội đầu tư đã được đưa ra, đề cập trước đó.
Còn các quan điểm ngược chiều, các thông tin tiêu cực dù mới hay cũ thì thường bị bỏ qua.
Sự bảo thủ – conservatism bias
Sự bảo thủ cho rằng mọi người có khuynh hướng ủng hộ bằng chứng trước đây hơn bằng chứng, hay thông tin mới xuất hiện và họ sẽ ủng hộ thông tin càng dễ hiểu hơn là một thông tin có tính phức tạp. Thật khó để họ sửa đổi một quan niệm, niềm tin mà trước đây họ vẫn tin tưởng.
Thiên lệch do các tình huống điển hình – Representativeness
Hiện tượng này thường xảy ra ở các Nhà đầu tư sử dụng phương pháp Phân tích kỹ thuật, thần thánh hóa các phương pháp, mẫu hình giá trên biểu đồ khi cho rằng quá khứ sẽ luôn luôn lặp lại.
Khi thực tế xảy ra các mẫu hình tương tự hoặc gần tương tự, thì vội cho rằng nó sẽ xảy ra và vội vàng ra quyết định đầu tư.
Hoặc NĐT chỉ đánh giá, phân tích các vấn đề dựa trên dữ liệu lịch sử ở quá khứ, hoặc dựa trên những phân tích thiếu hụt thông tin, cơ sở dữ liệu.
Một ví dụ điển hình nữa là các NĐT trong nước thường “đầu tư theo” các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức khi cho rằng có khả năng đánh giá đúng về sự phát triển của thị trường và việc họ quyết định mua bán phải dựa trên một lý do đáng tin cậy nào đó.
Ảo tưởng về sự kiểm soát – illusion of control
Sai lầm này cũng tương tự như sự bảo thủ ở trên, luôn cho rằng mình là nhất, cho rằng cái gì mình cũng đúng.
Thường sẽ dễ bị mắc phải hơn nữa với những người tự tin thái quá, khi dự đoán đúng một vài trường hợp trước đó và cho rằng mình sẽ tiếp tục dự đoán đúng.
Sự thành công nhất thời trong vài thương vụ ngắn hạn khiến họ ảo tưởng về khả năng có thể kiểm soát được các biến động của giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà bản thân các biến động đó thường là ngẫu nhiên, không mang tính quy luật.
Ảo tưởng về sự kiểm soát này khiến NĐT giao dịch nhiều hơn, giao dịch ngắn hạn thay vì giao dịch một cách thận trọng.
Để giảm thiểu hành vi này, NĐT nên tìm kiếm các quan điểm trái ngược, tự vấn bản thân như: tại sao tôi phải mua cổ phiếu này? rủi ro là gì? sau đó tự tìm câu trả lời để hệ thống lại tính logic của quyết định đầu tư.
Thiên lệch về nhận thức muộn – Hindsight bias
Ý nghĩa của hành vi này muốn nói mọi thứ luôn trông có vẻ rõ ràng hơn và dễ đóan hơn sau khi chúng đã xảy ra. Con người ta thường nhớ lại những dự đoán của mình trước khi sự kiện diễn ra và cho rằng dự đoán ấy vô cùng mạnh mẽ trong khi trong thực tế thì không.
Hành vi này trong tâm lý học gọi là hiện tượng “biết tuốt”.
Hành vi này cho rằng bạn chỉ nhớ về những chiến thắng, những dự báo chính xác trong quá khứ và loại bỏ những sai lầm đã xảy ra.
Hoặc bạn chỉ dự báo, phân tích những gì đã xảy ra trong quá khứ. Trong khi trên thị trường tài chính, chúng ta phải dự báo những gì tương lai chưa xảy ra.
Hiệu ứng mỏ neo và điều chỉnh – Anchoring & adjustment bias
Neo và điều chỉnh là một hiện tượng trong đó một cá nhân dựa trên những ý tưởng và phản hồi ban đầu của họ về một điểm thông tin và thực hiện các thay đổi được thúc đẩy bởi điểm xuất phát điểm đó.
Hành vi này gần đây xuất hiện nhiều hơn trên thị trường tài chính khi NĐT thiếu kiến thức để phân tích thông tin, hoặc thiếu hụt thông tin để phân tích đưa ra quyết định đầu tư của mình. Lúc này, NĐT sẽ sử dụng phong thủy, tâm linh, (“mỏ neo“).. để đưa ra quyết định mua bán dựa trên sự may rủi đó (điều chỉnh hành vi của mình theo mỏ neo đã định hình trước đó).
Sai lầm về mặt cảm xúc
Những sai lầm về mặt cảm xúc bắt nguồn từ chính cảm xúc, cảm giác, trực giác,.. của con người và mang tính đặc trưng của mỗi cá nhân.
Những sai lầm này thường rất khó tránh khỏi, ngay cả khi đã được dự đoán từ trước.
Bạn cũng dễ bắt gặp các sai lầm này tương tự như các sai lầm về mặt nhận thức ở trên, nhưng chúng mang tính cảm xúc nhiều hơn, thì được phân loại vào đây.
Tâm lý sợ thua lỗ – Loss-aversion bias
Đây là tâm lý phổ biến và dễ gặp nhất ở các NĐT, dù mới hay có kinh nghiệm thì hầu hết đều trải qua.
Tài chính hành vi cho rằng cùng một mức độ tăng/giảm của một tài sản thì cảm giác thua lỗ, mất mác luôn cao hơn cảm giác của sự thỏa mãn, chiến thắng.
Ví dụ: khi chúng ta mua cổ phiếu MWG tại mức giá 100.000 đồng. Thì khi giá tăng lên 110.000, chúng ta sẽ ít vui mừng hơn khi giá giảm về 90.000. Mặc dù trong cả 2 trường hợp, giá đều thay đổi 10.000 so với giá mua.
Tâm lý sợ thua lỗ ngăn NĐT bán đi những cổ phiếu không mang đến lợi nhuận, thậm chí khi họ thấy ít hoặc không có triển vọng để cổ phiếu đó phục hồi từ mức thua lỗ, kết quả họ thường mất một khoảng thời gian quá lâu để chờ đợi những sự phục hồi như vậy.
Tương tự, tâm lý sợ thua lỗ khiến NĐT sa lầy vào việc tránh rủi ro quá mức khi đánh giá tiềm năng của một cổ phiếu, bởi vì việc tránh né mất mát là ưu tiên cấp bách hơn so với tìm kiếm lợi nhuận.
Khi cổ phiếu bắt đầu tăng và tạo ra lợi nhuận, những NĐT này có xu hướng chốt lời sớm, họ lo sợ rằng nếu không thì thị trường sẽ đảo ngược và phá tan lợi nhuận. Việc chốt lời sớm làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng ở tương lai.
Tóm lại, khuynh hướng sợ thua lỗ khiến NĐT nắm giữ những cổ phiếu đang thua lỗ và bán những cổ phiếu đang tăng giá. Trong khi những cổ phiếu đang tăng giá thông thường là những cổ phiếu tốt và sẽ giúp hiệu quả danh mục được tối ưu. Còn những cổ phiếu thua lỗ, càng nắm giữ lại càng gia tăng rủi ro danh mục của mình.
Sai lầm do quá tự tin – over confidence bias
Sai lầm này xảy ra khi bạn nhìn thấy các luận điểm, thông tin tích cực quá nhiều, mà bỏ qua các thông tin khác.
Những NĐT mắc sai lầm này thường đánh giá quá cao khả năng dự đoán và độ chính xác của những thông tin mà họ đang sở hữu.
Kết quả là, họ có thể bị che mờ trước bất cứ thông tin tiêu cực mà thông thường có thể chỉ ra một dấu hiệu cảnh báo rằng hoặc là không nên mua cổ phiếu đó hoặc là nên bán cổ phiếu mà họ đã mua.
Hoặc khi bạn vừa học được, đọc được một bí kíp nào đó, vội vàng giao dịch ngay thực tế mà chưa thử nghiệm, kiểm định lại phương pháp. Kết quả là, bạn có thể thất vọng khi chứng kiến kết các quả nghèo nàn xảy ra liên tục do chưa có backest để nhận ra những sai lầm của phương pháp.
Không kiểm soát bản thân – self-control bias
Nói một cách đơn giản, self-control bias là xu hướng hành vi của con người khiến mọi người không hành động để theo đuổi các mục tiêu dài hạn vì thiếu kỷ luật tự giác.
Nhà đầu tư thường lập ra các nguyên tắc, kế hoạch giao dịch nhưng khi vào giao dịch thực tế thì bị cảm xúc chi phối, chạy theo thị trường, phớt lờ đi các nguyên tắc của mình.
Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn không lập ra bất cứ kế hoạch giao dịch nào, chỉ tự phát theo cảm xúc, đầu tư ngẫu nhiên theo thông tin có được, theo đám đông,…
Tâm lý sợ thay đổi – status-quo bias
Hành vi này lại thường xảy ra ở những người cũ, những người tham gia thị trường đủ lâu, sử dụng hoài một phương pháp giao dịch, một cách tiếp cận thông tin mà không quan tâm đến điều kiện thị trường luôn thay đổi hàng ngày.
Những NĐT cũ, có chút kinh nghiệm thường ngại thay đổi, ngại tiếp cận cái mới, lựa chọn điều quen thuộc hơn là thứ xa lạ.
Đó cũng là lý do tại sao, anhthucfx thường hay nhắc các bạn, không có một phương pháp nào là hoàn hảo trên thị trường. Thị trường luôn luôn thay đổi, chúng ta phải không ngừng học tập, đổi mới, bắt nhịp với thị trường hàng ngày để tránh bị bỏ lại phía sau.
Hiệu ứng sở hữu – Endowment bias
Hiệu ứng này dùng để chỉ thiên hướng đánh giá những gì mình sở hữu có giá trị cao hơn so với giá trị thị trường. Thường xảy ra nhất khi những vật dụng được đánh giá là những thứ ít được trao đổi trên thị trường mang giá trị tượng trưng hay nặng về mặt tinh thần cảm xúc.
Đặc biệt là liên quan đến các tài sản được cho/tặng, thừa kế, mang ý nghĩa về mặt tinh thần nhiều hơn mà bỏ qua logic, tính thực tế của sự vật, sự việc.
Ví dụ: khi bạn được một người nào đó cho một tài sản trị giá 1 tỷ đồng lúc đó.
Bạn biết rằng sản phẩm đó sẽ mất giá trị theo thời gian (ví dụ là oto), nhưng vì ý nghĩa về mặt tinh thần, bạn không bán ra để sử dụng khoản tiền đó đầu tư vào tài sản khác mà lưu trữ làm kỷ niệm. Hoặc nếu có bán, người sở hữu cũng chỉ muốn bán khi giá cao hơn mức 1 tỷ đồng.
Hiệu ứng sở hữu này còn được gọi là tình trạng “tiếc của”, hay “Con cá mất là con cá to”.
Hối tiếc vì hành động sai – regret-aversion bias
Hành vi này giải thích rằng con người chúng ta có khuynh hướng cảm nhận nỗi đau của sự hối tiếc khi phạm phải sai lầm, dù là sai lầm nhỏ. Đó là cảm giác hối hận về quyết định dẫn đến kết quả tồi tệ.
Nó ảnh hướng đến việc ra quyết định của con người bởi vì để tránh nỗi đau về sự hối tiếc, người ta có thể thay đổi hành vi của họ theo những cách thức mà trong vài trường hợp được xem như là phi lý.
Hành vi này thường xảy ra khi chúng ta đầu tư, đặc biệt với những người mới, chưa có một nguyên tắc đầu tư cụ thể, rõ ràng, thường quyết định đầu tư dựa trên cảm xúc nhiều hơn.
Ví dụ: Chúng ta đang sở hữu cổ phiếu thua lỗ, biết sai nhưng lại sợ không cắt lỗ vì lo ngại nếu bán ra thì giá sẽ quay đầu tăng giá trở lại.
Hoặc chúng ta đang muốn mua một cổ phiếu thì lại lo sợ mua vào giá giảm lại, phải mua hớ.. khi đã có những lần mua sai trước đó “ám ảnh”, lấn át cảm xúc.
Kết luận
Trong đầu tư, không phải lúc nào các nhà đầu tư cũng đưa ra các quyết định và hành động dựa vào lý trí, mà họ còn bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý (cảm xúc cũng như nhận thức) được gọi là tài chính hành vi, các định kiến, thiên lệch hành vi được giải thích ở trong bài viết.
Khi trạng thái tâm lý tốt họ trở nên lạc quan hơn trong cách nhìn nhận đánh giá, nhưng khi trạng thái tâm lý không tốt họ hay phê bình, chỉ trích, đi vào chi tiết của vấn đề hơn và trở nên bi quan hơn.
Việc tìm hiểu Tài chính hành vi, hy vọng có thể sẽ giúp bạn tìm ra lời giải đáp cho các hành vi xảy ra trên Thị trường chứng khoán. Những hành vi tưởng chừng như vô lý một cách hệ thống sẽ trở nên hợp lý, dễ chấp nhận hơn.
Chúc các bạn giao dịch thành công.
Nguồn: Tổng hợp